Năm 2010, Tập đoàn FLC chính thức ra đời từ sự hợp nhất của các công ty thành viên. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là kinh doanh bất động sản, đặc biệt là Bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, bất động sản khu công nghiệp.
Ngoài ra, FLC còn kinh doanh dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng; kinh doanh các cơ sở thể thao và kinh doanh thương mại khác. Theo giải thích của công ty, FLC là viết tắt của ba từ tiếng Anh là Finance (Tài chính), Land (Bất động sản) và Corporate (Doanh nghiệp).
Ông Trịnh Văn Quyết là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC từ ngày 31/8/2010 cho đến khi bị bắt tạm giam vào tháng 3/2022.
Gọi cổ phiếu FLC là “con gà đẻ trứng vàng” cho ông Trịnh Văn Quyết quả không sai, chào sàn hồi tháng 10/2011 với mức giá chỉ quanh vùng 5.500 đồng/cổ phiếu. Thời điểm đó, FLC ghi nhận thời kỳ tăng giá thần tốc và nhanh chóng chạm đỉnh tại mức giá 34.400 đồng/cổ phiếu vào hồi tháng 3/2012.
Tuy nhiên, tăng sốc thì giảm sâu, mã này sau đó đã nhanh chóng chứng kiến chuỗi lao dốc dài hạn về dưới mệnh giá. Thậm chí có những thời điểm, một cổ phiếu FLC chỉ đủ để mua một cốc trà đá khi nằm tại vùng giá 2.000 đồng/cổ phiếu.
Ngụp lặn tại HNX nhưng kết quả không mấy khả quan, cho đến tháng 8/2013, 77,2 triệu cổ phiếu FLC chính thức được chuyển sàn sang Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) – đây cũng chính là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của doanh nghiệp.
Bước chuyển mình sau khi sang HoSE
Năm 2013, Tập đoàn FLC ghi nhận lợi nhuận cao gấp 5 lần năm 2012, theo đó lãi sau thuế đạt mức 99 tỷ đồng và doanh nghiệp cũng tích luỹ được cho mình gần 20 dự án bất động sản, với tổng quỹ đất gần 1.000 ha tại Hà Nội và các vùng lân cận. Trong năm, các khoản phải thu, phải trả trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giảm xuống mức thấp, không có dư nợ ngân hàng.
Tại thời điểm đó, chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm và các chế độ đãi ngộ khác của gần 400 cán bộ công nhân viên của FLC luôn được bảo đảm. Tổng Giám đốc FLC khi đó – ông Doãn Văn Phương – chia sẻ trên báo chí, mức lương bình quân của mỗi lao động tại FLC xấp xỉ 10 triệu đồng/ người/ tháng. Cách đây cả một thập kỷ, đây quả là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người.
Với kết quả kinh doanh tích cực, chỉ sau gần một năm cổ phiếu FLC nhanh chóng được thêm vào rổ chỉ số VN30 (30 cổ phiếu của doanh nghiệp vốn hoá và tính thanh khoản cao nhất thị trường).
Sau hơn 2 năm chấp chới quanh vùng giá tham chiếu, đến tháng 7/2014, cổ phiếu FLC đã hồi về lại vùng 10.000 đồng/cổ phiếu. Tưởng chừng như thời hoàng kim đã quay về, nhưng mã FLC vẫn giậm chân tại chỗ và có dấu hiệu tiếp tục đi lùi.
Chỉ tới khi kết quả kinh doanh 2016 được công bố với mức tăng trưởng ấn tượng, dòng tiền đã đổ mạnh vào cổ phiếu FLC và giúp giá liên tục bứt phá, hàng chục triệu cổ phiếu FLC cũng được nhà đầu tư sang tay mỗi khi lên sàn.
Đến năm 2017, nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), tăng tới 25.046 tỷ đồng so với năm 2016 khi sở hữu hàng loạt cổ phiếu “họ” FLC.
Thời điểm đó, ông sở hữu 318,5 triệu cổ phiếu ROS, 135,3 triệu cổ phiếu FLC và 2,6 triệu cổ phiếu ART. Đây chính là giai đoạn vàng của mã ROS, ART khi thị giá 2 cổ phiếu trên ở mức đỉnh lịch sử của nó.
Tuy nhiên từ sau năm 2018, tài sản của ông Quyết trên sàn chứng khoán giảm dần, nguyên nhân chủ yếu do thị giá cổ phiếu trượt dốc và cũng bán bớt cổ phần. Điều đáng chú ý là dù khối tài sản chứng khoán 2 năm 2016 và 2017 vượt 1 tỷ USD nhưng ông Trịnh Văn Quyết lại chưa từng xuất hiện trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes.
Đi đôi cùng quá trình mở rộng phạm vi kinh doanh của công ty, từ năm 2012 đến tháng 2/2018, Tập đoàn FLC đã 7 lần tăng vốn điều lệ thông qua phát hành để trả cổ tức, phát hành để hoán đổi trong các thương vụ sáp nhập, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu… Từ tháng 8/2018 đến nay, Tập đoàn FLC duy trì mức vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng.
Thời hoàng kim ngắn ngủi của cổ phiếu "họ" FLC
Sau hơn 4 năm nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 18/8/2018 FLC chính thức cho ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways. Từ đó, doanh nghiệp gần như tập trung toàn bộ nguồn lực để nuôi dưỡng tham vọng chiếm lĩnh bầu trời này, trở thành hãng hàng không thứ ba tại thị trường Việt Nam.
Cho tới năm 2020, toàn thị trường phải đối mặt với “cơn sóng dữ” mang tên Covid-19, và FLC cũng không thể nằm ngoài làn sóng ảnh hưởng này. Kết quả kinh doanh của công ty cũng lao dốc không phanh, theo đó cổ phiếu FLC lại một lần nữa chạm đáy ở 2.000 đồng/cổ phiếu.
Đến năm 2021, Tập đoàn FLC bất ngờ báo lãi. Tỷ suất lợi nhuận tuy không cao nhưng cũng là tín hiệu khả quan khi so với hàng nghìn doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phải giải thể vì Covid-19 hoành hành.
Năm 2021 có nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và Tập đoàn FLC nói riêng nhưng cổ phiếu FLC vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, giúp nhiều cổ đông "về bờ".
Những tháng giữa và cuối năm 2021, cổ phiếu FLC có nhiều biến động nhưng không bao giờ đóng cửa dưới 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết phiên 31/12/2021, giá cổ phiếu này dừng ở 18.000 đồng/cổ phiếu, tăng 296% so với ngày đầu 2021 và ở vùng cao nhất kể từ đầu năm 2012 trở lại đây. Tại đỉnh 19.000 đồng/cổ phiếu thiết lập vào ngày 28/12, FLC cao hơn đầu năm tới 318%.
Bước sang năm 2022, cổ phiếu FLC tiếp nối đà tăng của năm cũ, liên tục tăng giá và đã chính thức vượt mốc 20.000 đồng/cổ phiếu ở phiên giao dịch 5/1. Giữa bối cảnh eo hẹp, cổ phiếu FLC cùng một loạt cổ phiếu cùng “họ” như ROS, HAI, AMD, KLF, GAB lại tăng dựng đứng, tạo ra cơn sốt kéo dài từ năm 2021 đến đầu năm 2022.
Cho tới phiên giao dịch 10/1 chứng kiến một kỷ lục chưa từng có với 135 triệu cổ phiếu FLC của được chuyển nhượng trong tình trạng biến động rất mạnh, từ tăng trần (thêm 7% trong buổi sáng) sang giảm sàn vào buổi chiều, trước khi đóng cửa giảm 6,2% xuống 21.150 đồng/cổ phiếu.
Với gần 135 triệu cổ phiếu được giao dịch trong 1 phiên, FLC trở thành mã cổ phiếu có thanh khoản kỷ lục trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường. Lý do là bởi thông tin ông Quyết đã giao dịch mà không đăng ký cả trăm triệu cổ phiếu. Sau sự kiện đó, nguyên Chủ tịch FLC bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch trong 5 tháng.
Sự lụi tàn của một "huyền thoại" làng chứng
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố với tội danh thao túng thị trường chứng khoán vào tháng 3/2022, FLC cùng các công ty thành viên cũng vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin theo quy định. Cuộc vui chóng tàn, toàn bộ nhóm cổ phiếu thuộc “họ” FLC bắt đầu lao dốc mạnh và lê lết dưới vùng đáy lịch sử.
Dù vậy, trong lịch sử chứng khoán Việt Nam chỉ có 8 phiên xuất hiện khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị trên một cổ phiếu thì riêng FLC đã 3 lần làm được điều này từ đầu năm 2022.
Do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, HoSE đã ra quyết định huỷ niêm yết toàn bộ cổ phiếu FLC đang giao dịch trên sàn này kể từ ngày 20/2/2023.
Nguyên nhân được HoSE đưa ra là do FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định được đề ra trong Luật Chứng khoán.
Theo đó, gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HoSE từ ngày 20/2. Sau khi bị HoSE huỷ niêm yết, gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký về UpCOM từ ngày mai (22/2). Xét về vốn hóa, tại ngày giao dịch cuối cùng (8/9/2022), FLC đóng cửa với giá 3.570 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng giá trị niêm yết 2.535 tỷ đồng.
Tại phiên họp bất thường được tổ chức không thành công hồi đầu tháng 2, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp hiện đang có hơn 64.700 cổ đông. Việc bị huỷ niêm yết sang HoSE, bị đẩy xuống UpCOM có thể coi là hồi kết cho hành trình 12 năm thăng trầm của mã cổ phiếu từng làm điêu đứng thị trường.