Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương góp ý về dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Về điều hành giá xăng dầu, theo Bộ KH&ĐT, thị trường xăng dầu có những biến động vừa qua là do nguồn cung có bất ổn cục bộ. Nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá xăng dầu, dẫn tới doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Bộ này nhấn mạnh việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị giữ nguyên phương án điều hành giá xăng dầu như hiện nay. Tức là Nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ để doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, cần tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp. Rà soát quy định về phương thức xác định chi phí, tần suất xác định chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời.
Về thời gian điều hành và công bố giá, Bộ KH&ĐT không nêu quan điểm ủng hộ phương án 10 ngày, 7 ngày mà đề nghị phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để có chu kỳ điều hành phù hợp, tránh xảy ra hiện tượng như vừa qua.
Vấn đề nóng nhất thời gian qua là kiến nghị quy định mức chiết khấu tối thiểu. Các đơn vị bán lẻ kiến nghị có quy định chiết khấu tối thiểu 5-6% trong giá bán, để giúp đơn vị bán lẻ ổn định tài chính, kinh doanh.
Song, trong nội dung góp ý, Bộ KH&ĐT đề nghị không quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ là để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt.
"Việc này nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", Bộ KH&ĐT cho hay.
Quan điểm này ngược với ý kiến của Bộ Tài chính và VCCI. Các cơ quan này cho rằng, cần bổ sung quy định tỉ lệ % nhất định mức chiết khấu trên mỗi lít xăng, dầu cho các cửa hàng bán lẻ. Đây là mức thù lao tối thiểu để đại lý bán lẻ hoạt động ổn định, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc không có chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh là nguyên do khiến nhiều đơn vị bán lẻ thua lỗ, đóng cửa ngừng bán hoặc bán cầm chừng nhỏ giọt, gây đứt gãy nguồn cung cục bộ vào cuối năm ngoái và tháng đầu năm nay.
Các đơn vị bán lẻ kiến nghị có quy định chiết khấu tối thiểu 5-6% trong giá bán, để giúp đơn vị bán lẻ - mắt xích phân phối quan trọng đưa xăng dầu tới người tiêu dùng ổn định tài chính, kinh doanh.
Về vấn đề cho phép đại lý bán lẻ lấy từ nhiều nguồn, dẫn Luật Thương mại, Bộ KH&ĐT cho rằng, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của bên giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hoá tại các đại lý.
Xăng dầu là mặt hàng ở thể lỏng, yêu cầu cất trữ khác hàng hoá thông thường, nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn, đựng chung trong cùng một bồn, bể chứa sẽ dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu, nhất là xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố cháy nổ, gian lận thương mại…
"Tuy nhiên, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua", Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Trên cơ sở đó, cơ quan này cho rằng, Bộ Công Thương cần phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép, không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn bảo đảm khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc của cơ quan quản lý Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Với việc vận hành sử dụng quỹ bình ổn, Bộ KH&ĐT đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên công cụ này, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất. Cụ thể, cơ quan Nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.
Về dự trữ lưu thông, Bộ KH&ĐT cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối, phân phối vẫn phải đảm bảo dự trữ lưu thông bắt buộc lần lượt là 20 ngày và 5 ngày, để giảm áp lực cho ngân sách khi nguồn dự trữ quốc gia chưa được bổ sung.