Lợi nhuận đi ngang so với 2021
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 hợp nhất, năm 2022, NSC ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.895 tỷ đồng, giảm 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 226 tỷ đồng, tăng 0,18% so với cùng kỳ.
Hoạt động kinh doanh của Vinaseed chịu tác động tiêu cực của đại dịch trong giai đoạn 2020 – 2021 khi hàng hoá tiêu thụ chậm, nông sản không xuất khẩu được. Theo đó, năm 2020, lợi nhuận sau thuế giảm 5%, đạt 195 tỷ đồng. Năm 2021, lợi nhuận bật tăng trở lại đạt 226 tỷ đồng, tương đương mức đạt được năm 2022.
Diễn biến lợi nhuận sau thuế NSC qua các năm |
Trong 5 năm tới, NSC đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với các mục tiêu tăng trưởng gấp đôi quy mô, tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận khoảng 20%/năm. Thị phần giống cây trồng tăng từ 21% lên 25% của cả nước trên tất cả các lĩnh vực (riêng với mặt hàng ngô thực phẩm sẽ nâng lên khoảng 60% thị phần cả nước).
Tại thị trường xuất khẩu, sản phẩm Đài Thơm 8 của NSC đã chinh phục được các thị trường khó tính như Úc, Canada, Châu Âu, Nhật… với mức giá khá cao và ổn định trong khoảng 700-1.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung 400-500 USD/tấn của thị trường.
VCBS dự báo, năm 2023, doanh thu thuần của NSC có thể tăng 10,5%, đạt 2.094 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 24,64% so với 2022, đạt 282 tỷ đồng.
Diễn biến doanh thu và lợi nhuận NSC qua các năm |
Một yếu tố đáng chú ý trong các chỉ số tài chính của NSC là việc các khoản nợ ngắn hạn có xu hướng tăng và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn. Tính tới cuối năm 2022, NSC có 648,6 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Cổ phiếu NSC đang giao dịch ở mức khoảng 70.300 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 22,5% so với đỉnh gần nhất ở 90.700 đồng/cổ phiếu. PE của NSC vào khoảng 5,72 lần, thấp hơn trung bình ngành lúa gạo (7,2x).
Diễn biến giá cổ phiếu NSC kể từ đầu năm 2021 tới nay |
Chi phí đầu vào giảm, giá hàng bán tăng
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), giá gạo nhiều khả năng sẽ theo xu hướng tăng giá trong năm 2023. Cụ thể, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021 - 2022 của nước này giảm 2%. Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022 – 2023.
Tồn kho tại Phillipines bị bào mòn do 139.000 ha diện tích gieo trồng bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. USDA dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022 – 2023.
Diện tích gieo cấy tại Ấn Độ giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng Kharif (chiếm 80% sản lượng nước này) có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022 - 2023. Theo đó, sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm 2023.
Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm qua với mưa nhiều, và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định (theo dự báo USDA).
“Chúng tôi đánh giá cao khả năng năm tới Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ sang”, VCBS cho biết.
Sản lượng tiêu thụ gạo của NSC qua các năm |
Trong khi đó, chi phí đầu vào dự kiến cũng sẽ hạ nhiệt trong năm 2023 do động thái từ châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga; đồng thời gia tăng dự trữ và cắt giảm sử dụng khí đốt mạnh tay. Nguồn cung phân bón thế giới kỳ vọng gia tăng qua đó cải thiện biên lợi nhuận nhóm doanh nghiệp lúa gạo.