Định hướng trên được Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi với đoàn khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra chiều nay 21.2.
Thành phố sẽ đề ra những nhiệm vụ cụ thể
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố phát triển trên nền tri thức nên đội ngũ trí thức là lực lượng quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Lực lượng trí thức hiện diện trên tất cả lĩnh vực khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội; tham gia tích cực vào công tác lập pháp.
Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn chứng, hiện TP.HCM đang lấy ý kiến đóng góp sửa đổi luật Đất đai và lực lượng trí thức tham gia rất đông đảo với nhiều ý kiến quan trọng. Hay như trong dịch Covid-19, nhờ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, người dân, trong đó có đội ngũ trí thức nên thành phố đã điều chỉnh biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Dù vậy, ông Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận so với tiềm năng của thành phố thì khâu kết nối và phát huy chưa được làm tốt. Đây cũng là hạn chế của thành phố trong thực hiện Nghị quyết 27 và cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Về định hướng, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sẽ đề ra các chương trình trọng điểm, đột phá thông qua các đề án lớn và huy động đội ngũ trí thức tham gia "cùng giải bài toán". Để thu hút, thành phố tập trung chính sách chăm lo, ưu đãi và đa dạng hình thức làm việc, tôn vinh kịp thời,…
Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, trong buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật và Hội đồng Khoa học TP.HCM mới đây, đã thống nhất về cơ chế tài chính và cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ. Trong đó, thành phố sẽ đặt hàng các nhiệm vụ để cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ và TP.HCM.
Tương tự, thành phố cũng sẽ có cơ chế, điều kiện để Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật hoạt động; đặt hàng cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 50 ngày thống nhất đất nước. "Thành phố sẽ đề ra những bài toán lớn hay nhiệm vụ cụ thể để trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ cùng tham gia", ông Phan Văn Mãi nói.
Cần chính sách đãi ngộ, tôn vinh tương xứng
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho rằng, cần xem xét tổng thể chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" bởi nghị quyết đưa ra chủ trương, định hướng nhưng chưa có chương trình hành động đi vào chi tiết, cụ thể.
Ông Khuê lo ngại trước hiện tượng "chảy máu chất xám" từ hệ thống hành chính công, đồng thời đề nghị cần xem xét ngoài tiền lương thì chính sách đãi ngộ cần thêm những gì để quy tụ đội ngũ trí thức và tạo động lực để đội ngũ này luôn đứng cạnh bên đảng bộ, chính quyền thành phố.
PGS-TS Dương Hoa Xô, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, cho rằng cần có các chính sách tôn vinh xứng đáng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học để khẳng định vị trí và đóng góp.
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, thành phố đã thí điểm chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học vào 4 đơn vị trong giai đoạn 2014 - 2018, sau đó áp dụng chính thức theo Nghị quyết 20/2018 của HĐND TP.HCM.
Về kết quả một số chương trình cụ thể, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã tuyển chọn và đưa đi đào tạo 920 học viên (92 tiến sĩ và 828 thạc sĩ), hiện 686 cán bộ đang công tác, 314 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi chọn 1.527 trường hợp là sinh viên học lực khá, giỏi và cán bộ, công chức có chiều hướng phát triển tốt. Hiện còn 978 cán bộ, công chức đang làm việc, trong đó có 385 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý.
Đối với chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân, có 135 cán bộ trúng tuyển, hiện còn 107 trường hợp đang công tác, có 29 trường hợp được đề bạt, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý.
Ngoài ra, TP.HCM có các đề án, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm: công nghệ sinh học, y dược, quản lý vận hành công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật…