Sự nghiệp lẫy lừng của đại minh tinh Hollywood Hedy Lamarr là bề nổi mà ai cũng có thể dễ dàng thấy được trong những năm tháng bà làm diễn viên. Tuy nhiên, cuộc sống của bà nơi không có máy quay mới là phần đáng kinh ngạc hơn cả nhưng lại ít người biết tới.
Dù được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới,” Lamarr còn nhiều điều hơn thế ngoài nhan sắc xinh đẹp không thể rời mắt của mình. Hiểu đơn giản chính là, nếu không có Hedy Lamarr thì không có WiFi, không có Bluetooth và cũng không có điện thoại thông minh.
“Lời nguyền” khiến một thiên tài không được biết đến
Hedy Lamarr sinh năm 1914 và có tên thật là Hedwig Kiesler. Bà được sinh ra ở Áo và có bố mẹ là người Do Thái. Bà kết hôn với người chồng đầu tiên vào năm 1934 ở tuổi 19. Thế nhưng, cuộc hôn nhân không hạnh phúc với một nhà sản xuất vũ khí độc đoán, giàu có đã khiến Lamarr mệt mỏi và quyết định bỏ nhà đi bằng xe đạp ngay trong đêm.
Sau khi di cư sang Mỹ vào năm 1937, bà lọt vào mắt xanh của người đứng đầu hãng phim MGM là nhà sản xuất phim Louis B.Mayer trên con tàu từ London đến New York. Dù chỉ biết một chút tiếng Anh, Lamarr vẫn có được một hợp đồng lớn để bắt đầu sự nghiệp diễn xuất ở Hollywood.
Người đẹp gốc Vienna đã sớm ổn định cuộc sống ở Beverly Hills và giao du với những người nổi tiếng như Cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy hay ông trùm kinh doanh Howard Hughes. Họ chính là những người đã cung cấp thiết bị cho bà để tiến hành các thí nghiệm mà bà mong muốn.
Ảnh: Forbes
Hedy Lamarr thường than thở rằng mặc dù vẻ đẹp của mình đã giúp bà phát triển sự nghiệp ở Hollywood nhưng đó cũng là một lời nguyền cản trở những con đường khác. Người ta hiếm khi nhìn thấy điều gì khác ngoài ngoại hình của Lamarr trong gần như suốt cuộc đời của bà, đồng nghĩa với việc trí tuệ thiên tài của bà không được biết đến và được ghi nhận một cách xứng đáng.
Bên ngoài màn ảnh, cuộc đời của Lamarr khá sóng gió và thường xuyên dính vào bê bối. Bà đã kết hôn và ly hôn đến 6 lần. Nhưng khi camera ngừng quay, niềm đam mê của Lamarr sẽ dành cho khoa học, đổi mới và phát minh.
Từ nhảy tần đến công nghệ trải phổ
“Tôi thực hiện được các phát minh rất dễ. Tôi không tìm ý tưởng bởi chúng đến với tôi một cách tự nhiên,” Lamarr nói. Khi có trang thiết bị, Hedy Lamarr sẽ dành hàng giờ để thử nghiệm công nghệ.
Lamarr biết ngư lôi điều khiển bằng sóng vô tuyến. Đây là công nghệ tân tiến nhưng dễ bị nhiễu. Bà liền nghĩ ra ý tưởng về hệ thống nhảy tần có khả năng thay đổi tín hiệu sóng vô tuyến truyền đến ngư lôi, như vậy sẽ tránh bị gây nhiễu hay bị phát hiện. “Nhảy tần” là một cách chuyển đổi khéo léo giữa các tần số vô tuyến để tránh việc tín hiệu bị nhiễu.
Lamarr cùng với nhà soạn nhạc George Antheil đã cùng nhau phát minh ra “hệ thống liên lạc bí mật” và nhận được bằng sáng chế vào năm 1942. Lamarr đã tặng công nghệ này cho quân đội Mỹ trong Thế chiến II để chống lại Đức quốc xã với mong muốn ngư lôi dưới nước không bị phát hiện.
Thế nhưng, người ta chẳng quan tâm đến phát minh này mà phải mất nhiều thập kỷ sau, họ mới nhận ra được tầm quan trọng và sử dụng nó trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Sau đó, nó tiếp tục được sử dụng trong nhiều ứng dụng quân sự.
Ảnh: Forbes
Lamarr cũng đã có một ý tưởng làm thay đổi “cuộc chơi” về mặt giao tiếp không dây. Công nghệ trải phổ mà Hedy Lamarr phát minh đã tạo thành nền tảng của công nghệ truyền thông không dây hiện đại và mở đường cho sự bùng nổ của điện thoại thông minh, kết nối WiFi, Bluetooth và tất nhiên là cả GPS ngày nay.
Nhiều cống hiến là vậy nhưng những phát minh của Hedy Lamarr đã không được biết đến rộng rãi hơn cho đến cuối những năm 1990, ngay trước khi bà qua đời vào tháng 1 năm 2000. Chúng được tiết lộ chi tiết hơn trong cáo phó của bà được công bố vào cuối năm đó.
Hedy Lamarr thậm chí cũng chưa bao giờ nhận được bất kỳ khoản tiền nào cho những phát minh của mình vì bằng sáng chế của bà đã hết hạn trước khi chúng được đem ra sử dụng rộng rãi.
Tổng hợp