Metro chậm tiến độ, đội vốn "khủng"
Là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của TPHCM, metro Bến Thành - Suối Tiên (còn gọi là tuyến metro số 1) được phê duyệt từ năm 2008, khởi công ngày 28-8-2012, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2018, tổng kinh phí ban đầu là 17.387 tỷ đồng do Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn của dự án là liên doanh NJPT của Nhật Bản.
Công trình có 14 nhà ga, trong đó, 3 nhà ga ngầm dài khoảng 2,6km, 11 nhà ga trên cao dài hơn 17km. Vận tốc tàu lên tới 110 km/giờ ở phần trên cao, 80km/giờ ở phần ngầm, 35km/giờ ở khu vực vào nhà ga và 25km/giờ ở nhà ga. Tuyến đường đi qua TP.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh và Q1 của TPHCM; TP.Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Dự án được kỳ vọng mở ra phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ khu trung tâm đến cửa ngõ phía Đông TPHCM và chiều ngược lại, giảm ùn tắc giao thông, kết nối đô thị dọc tuyến, làm cơ sở để phát triển các tuyến metro khác...
Quá trình thi công, dự án được điều chỉnh nhiều lần vào các năm 2008, 2011, 2019, 2021. Qua những lần điều chỉnh này, đơn vị tư vấn đã cập nhật, tính toán lại mức đầu tư của dự án khoảng 47.325 tỷ đồng - đội vốn gần 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, 11,6% còn lại là vốn đối ứng của TPHCM.
Đến nay, tổng tiến độ toàn dự án đạt hơn 93,8%. Trong đó, gói thầu 1a xây dựng đoạn ngầm ga Bến Thành đến ga Nhà hát TPHCM đạt hơn 98%; gói thầu 1b - đoạn từ ga Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son đạt 99,7%; gói thầu CP2 - đoạn trên cao và depot đạt 96,7% và gói thầu CP3 mua sắm trang thiết bị, cơ điện đạt gần 87%. Toàn bộ 11 nhà ga trên cao đều đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.
Thay vì hoàn thành trong quý IV năm 2021, mới đây, TPHCM xin điều chỉnh hoàn thành dự án vào quý IV năm 2023, thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ 2024 - 2028, chậm thêm 2 năm so với quyết định mới điều chỉnh.
Ghi nhận tại công trường cho thấy, hiện dự án vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, số lượng công nhân, kỹ sư, phương tiện máy móc thi công hoạt động rất ít, tiến độ chậm chạp, nhiều đoạn công trình vắng vẻ không có người thi công. Nguyên nhân khiến dự án nhiều lần bị trễ hẹn là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhân sự biến động, nguồn cung cấp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình, nhất là ở các gói thầu số 1a, 1b, số 2 và số 3.
Chậm ký kết phụ lục hợp đồng số 19 của Hợp đồng Tư vấn chung khiến Liên danh tư vấn NJPT ngưng cung cấp một số dịch vụ từ giữa năm 2021. Hiện nay các bên đang thương thảo ký kết phụ lục Hợp đồng số 19.
Thiếu các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục liên quan đến đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống. Công nghệ áp dụng trong tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn toàn mới ở Việt Nam nên phải tham khảo các tiêu chuẩn của nước ngoài với khoảng 3.000 tiêu chuẩn đã và đang áp dụng. Việc xác định tiêu chuẩn tương đương hoặc đánh giá sự phù hợp các tiêu chuẩn áp dụng mất rất nhiều thời gian.
Công tác giải phóng mặt bằng chậm. TPHCM đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn tất giải phóng các công trình hạ tầng, nhà dân còn lại dọc 9 vị trí cầu bộ hành của đoạn thi công trên cao. Ngoài ra, dự án phải điều chỉnh thiết kế, nhà thầu khiếu nại, phát sinh chi phí, giải ngân vốn thấp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ về đích.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành nhiều lần "delay"
Là một trong những tuyến đường quan trọng bậc nhất ở phía Nam, cao tốc Long Thành - Bến Lức dài 57,09km, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc giúp kết nối giao thông liên vùng giữa miền Đông và Tây Nam bộ được thuận lợi, giảm áp lực giao thông trên QL1A, QL51, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.
Tuyến đường bắt đầu từ nút giao với cao tốc TPHCM - Trung Lương ở xã Mỹ Yên (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đi qua 3 huyện của TPHCM là Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ và kết thúc tại nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại xã Phước Thái (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài 4,89km, đoạn qua TPHCM dài 24,92km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 27,28km. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/giờ, hơn 20km cầu và cầu cạn, 6 nút giao cắt và lối thoát.
Dự án có 11 gói thầu chính được chia làm 3 đoạn: đoạn phía Tây, đoạn giữa và đoạn phía Đông. Đoạn phía Tây dài 21,1km, có 5 gói thầu gồm: A1, A2-1, A2-2, A3 và A4 sử dụng vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Đoạn giữa dài 10,7km, chủ yếu là các cầu vượt sông. Trong đó có 2 cầu gồm: cầu Bình Khánh, dài 2,76km bắc qua sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ và cầu Phước Khánh, dài 3,18km bắc qua sông Lòng Tàu, nối huyện Cần Giờ (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Đây là 2 cây cầu dây văng cao nhất Việt Nam với nhiều kỹ thuật phức tạp; độ tĩnh không của cầu là 55m, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải dưới 50.000 tấn xuôi ngược dễ dàng. Hai cây cầu thuộc 3 gói thầu gồm: J1 (cầu Bình Khánh), J3 (cầu Phước Khánh) và J2, sử dụng vốn vay ODA của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Gói thầu J2 đã hoàn thành, gói thầu J1 và J3 cơ bản hoàn thành phần cầu dẫn, các trụ tháp, khối K0. Đoạn phía Đông dài 25,3km, gồm các gói thầu A5, A6 và A7, sử dụng vốn từ hiệp định vay ADB lần 2.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 31.320 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay của ADB là hơn 13.600 tỷ đồng, vốn vay ODA của JICA gần 12.000 tỷ đồng, vốn đối ứng là 5.689 tỷ đồng, bình quân mỗi kilomet cao tốc có chi phí lên tới 28,2 triệu USD. Đây là mức đầu tư cao kỷ lục so với các đường cao tốc khác trên thế giới.
Dự án được khởi công vào tháng 7-2014, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2019, nhưng tuyến cao tốc này tiếp tục lùi thời hạn hoàn thành. Nguyên nhân khiến dự án tiếp tục trễ hẹn là do vướng công tác giải phóng mặt bằng, dịch Covid-19, cơ chế pháp lý và nhất là nguồn vốn nên dự án buộc ngưng thi công từ giữa năm 2019, chủ đầu tư xin lùi tiến độ đến ngày 31-12-2023 mới hoàn thành đưa vào khai thác.
Ngày 20-6-2022, trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Lê Văn Thành, VEC kiến nghị được dời thời hạn hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cuối quý III-2025. Đây cũng là lần trì hoãn thứ 3 kể từ khi cao tốc này được khởi công.
Với gần 80% khối lượng công trình đã hoàn thành, có thể nói hình hài cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được định hình ngày một rõ nét, tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn thi công dang dở. Nhiều đoạn cao tốc dài hàng trăm mét bị đào bới nham nhở, nhiều chỗ chưa được "đôn" nền, đắp bạt taluy. Hàng trăm khối bê-tông nằm chổng chơ, nhà xưởng đóng cửa im lìm, công trường vắng bóng công nhân. Hàng chục "núi" đất đá phục vụ việc đổ đường bị "phơi sương", hàng trăm thiết bị máy móc nằm "đắp chiếu", bị rỉ sét, cây cối, cỏ dại phủ xung quanh...
Tại nút giao với đường Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới (H.Nhà Bè), nhiều cây cầu và đường dẫn lên cao tốc thi công dang dở, một số đoạn cao tốc bị đứt mạch. Một "rừng" bê-tông gồm: dầm cầu, trụ cầu, đường dẫn... bị rêu mốc, trần mình giữa nắng mưa. Cây cầu vượt băng qua đường Số 1 đã bắc nhịp vươn ra gần mép sông Soài Rạp, nhưng ở đoạn kết nối với cầu Bình Khánh chưa được lắp dầm bê-tông ứng lực. Cầu Bình Khánh đã xây dựng 2 trụ tháp, nhưng chưa thi công dây văng và lắp dầm bê-tông ứng lực. Tương tự, cầu Phước Khánh cũng mới thi công hai trụ tháp và một số hạng mục khác, cây cầu này vẫn chưa hoàn thiện.
Việc cao tốc Bến Lức - Long Thành nhiều lần bị "delay" không chỉ chưa đáp ứng sự chờ đợi của người dân, doanh nghiệp, mà còn phát sinh vướng mắc về quản lý, tranh chấp. Một số nhà thầu chấm dứt hợp đồng và khiếu kiện đòi bồi thường hơn 1.600 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến thời gian thu phí hoàn vốn, giảm hiệu quả đầu tư.
Sáng 02-10-2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Trung ương đã thị sát, kiểm tra thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành tại nút giao với Quốc lộ 51 và cầu cạn qua rừng ngập mặn xã Phước Thái, (huyện Long Thành, Đồng Nai). Chủ tịch Quốc hội cho biết, cao tốc Bến Lức - Long Thành là tuyến đường quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất nay đã được tháo gỡ, không có lý do gì để chậm nữa. Các cơ quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, cố gắng hoàn thành trong thời gian sớm nhất, có thể rút ngắn thời gian 1 năm, hoàn thành vào năm 2024.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.367341_oac-nert-o-nav-oac-nert-gnoud-1-yk/gnos-iod/nv.moc.nagnoc