Lập tổ công tác thúc đẩy dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định của Thủ tướng thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác rà soát khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan là tổ trưởng tổ này, tổ phó là thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh. Ngoài ra có thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành, tỉnh Hà Nam.
Tổ công tác sẽ tham mưu giúp Thủ tướng, cùng rà soát trình tự, thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư, thiết kế xây dựng; lựa chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng, xác định khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiếp tục thực hiện đầu tư dự án cơ sở 2 của các bệnh viện.
Dự án xây dựng cơ sở 2 của Việt Đức và Bạch Mai khởi công năm 2014, tiến độ hoàn thành chậm 6 năm so với kế hoạch ban đầu.
TP.HCM điều chỉnh hệ thống biển báo giao thông
Sở Giao thông vận tải TP. (Sở GTVT) vừa chỉ đạo Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị rà soát, thay thế các biển báo chưa hợp lý trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, các biển báo cũ không đúng quy chuẩn, biển tạm phục vụ thi công chưa tháo dỡ, biển báo bị cây xanh che khuất tầm nhìn, lắp đặt tại vị trí chưa phù hợp… sẽ được thay thế.
Theo ghi nhận hiện trên một số tuyến đường tại TP.HCM có tình trạng biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho người dân trong việc chấp hành đúng luật giao thông. Không ít biển báo đang lắp đặt ở vị trí chưa hợp lý, theo kiểu "gài bẫy" người đi đường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cần Thơ giao Bệnh viện phụ sản mua thuốc cho cả thành phố đến 2025
Ngày 21-2, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện ký quyết định giao Bệnh viện phụ sản TP Cần Thơ là đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2023-2025, thay thế quyết định trước đó giao Sở Y tế TP Cần Thơ là đơn vị mua sắm thuốc tập trung.
Giao Sở Y tế TP Cần Thơ chỉ đạo Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ tổ chức thực hiện mua thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương; tham mưu, trình chủ tịch UBND thành phố quyết định với các mặt hàng không thuộc danh mục đấu thầu tập trung sử dụng tại các cơ sở y tế theo đúng quy định.
Trước đó, trả lời chất vấn tại phiên họp HĐND TP Cần Thơ về giải pháp xử lý tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh tại bệnh viện công, giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Hoàng Quốc Cường cho biết sẽ tham mưu TP đấu thầu mua sắm thuốc tập trung tại một bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, không giới hạn 129 mặt hàng mà mở rộng cho tất cả các cơ sở y tế tại Cần Thơ.
Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng đầu năm xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 359.000 tấn, mang về hơn 186 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình hơn 519 USD/tấn. So với tháng 1 - 2022, xuất khẩu gạo giảm 29% về lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá.
Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng gạo. "Quán quân" là thị trường Philippines, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước; tiếp đến là Trung Quốc, chiếm trên 13,2% trong tổng lượng xuất khẩu.
- Tham khảo thêm
Thị trường Indonesia ghi nhận có sự tăng trưởng mạnh, chiếm 24% tổng xuất khẩu của cả nước (tương đương 85.925 tấn, chủ yếu gạo trắng cao cấp và gạo thơm).
Một số chủng loại gạo xuất khẩu tháng 1, 2 vẫn được ưa chuộng trên thị trường như gạo thơm các loại (ST24, ST25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa…); gạo Jasmine, gạo Japonica, gạo trắng 5%.
Giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn duy trì ở mức cao
Giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức khá cao, thức ăn dành cho heo 13.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại, thức ăn gà công nghiệp phổ biến 13.500-14.000 đồng/kg. Mức giá này không hạ nhiệt so với thời điểm giá cao năm 2022 và được xem là mức đỉnh trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Công Tâm, Công ty Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập khẩu thời có thời điểm hạ nhiệt nhưng thời gian gần đây tăng lại, đang ở mức khá cao, đặc biệt các nguyên liệu chính gần như ở mức cao kỷ lục: bắp phổ biến 7.900-8.400 đồng/kg, bã đậu nành 14.800-16.000 đồng/kg, bột cá 45.000-50.000 đồng/kg tùy loại...
"Phần lớn các nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đều phải nhập khẩu từ các quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Argentina, Mỹ… Bã đậu nành gần như phải nhập khẩu 100%. Ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ, chính trị thế giới khiến nguồn cung giảm, đẩy giá bán các nguyên liệu này tăng cao. Khả năng giá nguyên liệu sẽ còn ở mức cao đến hết quý 2 năm nay, thậm chí còn tăng đến quý 3 mới dần hạ nhiệt", ông Tâm nhận định.
Một số tin tức đáng chú ý: Các tỉnh miền Tây xin vay 50.331 tỉ đồng vốn ODA để làm dự án hạ tầng; TP.HCM khởi công giai đoạn 2 dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; Cả nước chỉ ghi nhận 4 ca mắc COVID-19...