vĐồng tin tức tài chính 365

Nông dân ĐBSCL phấn khởi vì được mùa, được giá lúa đông xuân

2023-02-22 07:02

Vụ lúa Đông Xuân 2023 vùng ĐBSCL khoảng 1,5 triệu ha, cơ cấu giống tập trung vào giống lúa thơm, đặc sản để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, một số trà lúa sớm ở một số địa phương trong vùng đã bắt đầu thu hoạch, lúa năm nay được mùa, trúng giá nên người dân rất phấn khởi.

Tại Cần Thơ, vụ lúa Đông Xuân năm nay địa phương xuống giống hơn 75.000 ha và cơ cấu giống tập trung vào lúa thơm. Thời điểm này chưa phải là cao điểm thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân, nhưng người dân đã nhận cọc và bán những trà lúa sớm cho thương lái, doanh nghiệp với mức giá cao hơn so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Việt, ngụ huyện Thới Lai, Tp.Cần Thơ, gia đình có gần 2ha trồng lúa OM 18 và đã được thương lái thu mua với giá 6.800 đồng/kg. Năm nay lúa được mùa, trúng giá nên người trồng lúa rất phấn khởi.

“Năm nay, bà con rất phấn khởi, được mùa mà lúa có giá. Mọi năm vụ Đông Xuân lời khoảng 2 triệu/công. Năm nay, lợi nhuận gấp đôi khoảng 4 triệu/công trừ hết các khoản chi phí đầu tư, đầu vào. Năm nay lúa trúng khoảng 9 đến 10 tấn/ha”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, năng suất lúa trên địa bàn Cần Thơ bình quân đạt từ 8 đến 9 tấn/ha và cao nhất trong những vụ Đông Xuân trở lại đây. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay đã có một số trà lúa sớm của người dân thu hoạch, dự kiến cuối tháng 2 và đầu tháng 3 diện tích lúa Đông Xuân trên địa bàn Cần Thơ sẽ thu hoạch khoảng 80%, số còn lại thu hoạch muộn hơn khoảng 1 tháng.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, hiện nay, người dân tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp rất vui mừng khi giá lúa đang ở mức cao và những diện tích liên kết đang được doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ các đơn hàng đã ký kết. Đối với những vùng người dân chưa liên kết thì thương lái cũng đang tất bật thu mua lúa cho người dân giá bán cao hơn so với cùng kỳ từ 10 đến 15%. Hiện nay, lúa Đài Thơm 8, Jasmine 85 đang được thương lái thu mua với giá từ 6.600 – 6.800 đồng/kg; đối với giống lúa RVT và giống lúa thơm, đặc sản được thương lái thu mua từ 7.200-7.500 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ hết chi phí tuỳ từng giống lúa người dân có lãi lên tới 35 triệu đồng/ha ở vụ lúa Đông Xuân năm nay.

“Vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023, bà con canh tác lúa trên địa bàn thành phố cơ bản thuận lợi, tình hình sâu bệnh cũng xuất hiện do đó chi phí sản xuất ở mức so với trung bình nhiều năm. Theo một số diện tích bà con đã thu hoạch và tình hình trà lúa trên đồng ruộng cũng dự báo, hứa hẹn vụ Đông Xuân này bà con có khả năng lợi nhuận khoảng 35 triệu đồng/ha tuỳ từng giống”, ông Trần Thái Nghiêm thông tin.

Còn tại Tiền Giang, vụ mùa này tỉnh xuống giống hơn 48.000ha. Đến nay, trà lúa làm đòng khoảng 1.700ha, trổ gần 8.700ha, chín 23.700ha, đã thu hoạch 14.000ha; năng suất 7,1 tấn/ha (lúa khô), sản lượng gần 100.000 tấn. Bà con Tiền Giang cũng rất vui mừng vì năm nay lúa được mùa, được giá.

Gia đình ông Nguyễn Văn Danh, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vừa thu hoạch 0,7ha lúa IR50404, năng suất đạt 9 tấn/ha, bán với giá 6.400 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 20 triệu đồng, tăng khoảng 5 triệu đồng so vụ đông xuân năm trước.

“Chưa vụ nào trúng như vụ này, chưa năm nào sướng như năm nay. Lúa vừa trổ bông là “cò” lúa đến đặt tiền cọc trước. Lúa gần chín thì “cò” máy gặt đập liên hợp đến lãnh cắt, vận chuyển. Sau đó, chúng tôi chỉ có việc đến ghi sản lượng lúa và cầm tiền đem về. Không còn cảnh, cả nhà phải vất vả cắt, tuốt và vận chuyển về nhà phơi khô như trước nữa. Giá lúa tăng, hút hàng, thương lái đến thu mua rất dễ dàng; còn giá lúa giảm, thương lái hẹn lần hẹn lượt không đến mua cho dân”, ông Danh tâm sự.

Niềm vui trúng mùa, trúng giá lúa đông xuân cũng đến với gia đình bà Trần Thị Kiều Trang, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Bà Trang cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 0,9ha lúa VD20, năng suất đạt trên 8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 22 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay. Tuy chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất có cao hơn so vụ lúa đông xuân các năm trước nhưng nhờ lúa bán được giá cao nên lợi nhuận tương đối khá. Giá lúa cao như hiện nay thì còn có lãi. Mấy vụ lúa trước, thu hoạch xong thì phủi tay do giá thấp, năng suất không cao. Nhà nông chúng tôi mong sao nhà nước giữ giá lúa cao và không tăng giá vật tư nông nghiệp. Có như vậy, đời sống người trồng lúa mới khá lên được”.

Tại tỉnh Cà Mau, vụ lúa Đông Xuân tỉnh xuống giống gần 36.000 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời tập trung nhiều nhất với gần 29.000 ha. Đến thời điểm này, năng suất lúa bình quân đạt từ 5,5 - 5,8 tấn/ha, đặc biệt có nhiều diện tích lúa cho năng suất trên 6 tấn/ha.

Theo nhiều nông dân tại huyên Trần Văn Thời, ngay từ đầu vụ, mặc dù bị ảnh hưởng mưa lớn kéo dài đầu vụ gây khó khăn trong việc xuống giống, tốn kém nhiều chi phí cho sản xuất… Thế nhưng, từ thời điểm nông dân xuống giống đến lúc thu hoạch, các loại sâu bệnh ít gây hại nên năng suất lúa đạt khá cao. Không chỉ được mùa, năm nay giá lúa được các thương lái thu mua tại ruộng cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.

Bà Phan Thị Mai, ngụ ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân. Với diện tích hơn 1 ha, gia đình bà Mai thu được gần 7 tấn lúa. So với cùng kỳ, vụ mùa này năng suất cao hơn khoảng 500 kg. Đặc biệt, giá lúa năm nay cao hơn đến hơn 1.200 đồng/kg so với vụ lúa năm trước nên cho lợi nhuận cao hơn.

Chung niềm vui như gia đình bà Mai, ông Trần Văn Triều, ngụ xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, gia đình ông canh tác 0,7 ha vụ lúa Đông Xuân. Vụ mùa năm nay gia đình ông xuống giống giống Lộc trời 28. Nhờ đó, năng suất lúa đạt cao, cho sản lượng khoảng 5,6 tấn.

"Ngay từ đầu vụ, địa phương đã triển khai phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nông dân thực hiện các loại giống lúa năng suất, chất lượng cao. Do đó, gia đình đã mạnh dạn áp dụng sản xuất giống lúa Lộc trời 28 và đang mang lại hiệu quả", ông Trần Văn Triều cho biết.

Bên cạnh năng suất, giá lúa cao khiến cho nông dân rất phấn khởi. Hiện, giá lúa ST24, ST25 và Lộc trời 28 có giá trên 7.000 đồng/kg; còn lại các loại giống lúa khác, như: Ðài thơm 8, OM5451, OM18… đều có giá trên 6.300 đồng/kg. Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí, người dân có thể còn lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha.

Giá lúa ở mức cao như hiện nay là nhờ tín hiệu xuất khẩu gạo những tháng đầu năm thuận lợi, nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cùng với đó là một số nước đang tăng cường thu mua gạo để dự trữ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam những tháng đầu năm ổn định, giá bán vẫn đang cao và tín hiệu vui khi vụ lúa Đông Xuân người dân trúng mùa, được giá. Hiện nay, nông dân chuyển đổi canh tác sang những giống thơm, đặc sản, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh những thị trường truyền thống thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang khai thác thêm một số thị trường mới ngay những tháng đầu năm.

“Thị trường cũng ổn định, các doanh nghiệp đang khai thác một số thị trường mới, sản xuất của mình tiếp tục được mùa, thời tiết cũng thuận lợi, thị trường tiếp tục ổn định, giá thu mua ở mức cao. Trong sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó, thị trường của mình cũng được mở rộng”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Minh Hoa (t/h theo VOV, Nhân dân, Báo Tin Tức)

Xem thêm: lmth.434495a-naux-gnod-aul-aig-coud-aum-coud-iv-iohk-nahp-lcsbd-nad-gnon/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nông dân ĐBSCL phấn khởi vì được mùa, được giá lúa đông xuân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools