Hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, có nhiều ưu thế khi xuất khẩu sang Trung Quốc, nhờ vào vị trí địa lý và thói quen tiêu dùng tương đồng giữa 2 thị trường.
Trung Quốc là một thị trường rộng lớn và hiện đứng thứ hai trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với nhiều chủ trương và chính sách mới trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính trong nhập khẩu nông sản; đòi hỏi các cơ quan, lực lượng chức năng của Việt Nam và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi vào thị trường này.
Chiều Chủ nhật tại cửa khẩu Hữu Nghị, mặc dù là ngày nghỉ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn hồi hả làm tờ khai, hoàn tất các thủ tục thông quan. Tại Chi cục này, số lượng tờ khai trong gần 2 tháng qua đã tăng 91% so với kỳ cùng năm ngoái.
Để việc thông quan thuận lợi nhất, các lực lượng tại cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đã triển khai linh hoạt nhiều giải pháp.
"Trung tâm Quản lý cửa khẩu đã thành lập tổ công tác tại các cửa khẩu để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, tích cực tham mưu cho Ban Quản lý trao đổi với phía Trung Quốc, tăng thời gian thông quan hàng ngày để nâng cao năng lực thông quan", ông Đinh Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, cho biết.
Sơ chế chuối xuất khẩu. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, Hiện có rất nhiều nông sản nhiệt đới phía Trung Quốc đang có nhu cầu lớn từ phía Việt Nam. Vì vậy, Cục sẽ tăng cường kết nối giao thương, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước cung ứng chính ngạch.
"Cục Xúc tiến thương mại đang triển khai nhiều hoạt động giao thương với thị trường Trung Quốc để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối nhiều hơn với các đối tác tiềm năng của Trung Quốc, đối tác thu mua số lượng lớn mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản của Việt Nam", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, thông tin.
Việc mở cửa biên giới trở lại của Trung Quốc được đánh giá là điểm sáng cho xuất khẩu nông sản nước ta trong năm nay vì thị trường 1,4 tỷ dân đang chiếm hơn 17% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tuy nhiên hiện nay, đây không còn là thị trường dễ tính, mà ngày càng được thắt chặt hơn với nhiều quy định nghiêm ngặt.
"Tất cả các doanh nghiệp đã đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đến nay được 2.492 mã sản phẩm, thì Trung Quốc có thể kiểm tra quá trình sản xuất, hồ sơ sổ sách. Việc kiểm tra sẽ được thông báo trước, nhưng doanh nghiệp nếu không chuẩn bị tốt thì có thể không đáp ứng được yêu cầu này", ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho hay.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam có một kế hoạch xuất khẩu rõ ràng đầy đủ các mặt hàng sang Trung Quốc, tìm hiểu kỹ những thay đổi về quy định chất lượng của thị trường sở tại, đa dạng hóa kênh xuất khẩu chính ngạch để nâng cao hiệu quả đơn hàng trong năm 2023.
VTV.vn - Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất đạt gần 23.000 tấn với giá bán tăng khá so với trước đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!