Ngày 22.2, ông Ngô Nguyên Phong, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết tuyến đê biển phía đông, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) vừa bị sạt lở nghiêm trọng.
Qua kiểm tra, đoạn đê sạt lở có chiều dài 46 m, trong đó đoạn có chiều dài 25 m, chiều rộng sạt lở 6 m, sâu 1,5 m; đoạn dài 21 m, chiều rộng sạt lở từ 1 - 3 m, sâu 1 m. Nguyên nhân sạt lở là vị trí đoạn đê biển này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn nên sóng đánh trực tiếp vào mái và thân đê.
Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản, nhưng gây mất an toàn và có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào.
Theo ông Phong, trong thời gian tới, do không còn rừng phòng hộ nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, nguy cơ gió mạnh sẽ tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê, gây sạt lở mái đê và thân đê ngày càng nghiêm trọng hơn. Đồng thời, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân ở phía trong. Dự báo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ dân.
Ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển
Hiện, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp UBND TP.Bạc Liêu cử cán bộ tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát diễn biến sự cố sạt lở. Rào chắn, giăng dây và cắm biển cảnh báo sạt lở. Giải pháp khắc phục khẩn cấp là huy động các lực lượng dùng bao tải đất, cát để chống nước biển tràn vào nhà dân. Để ngăn chặn kịp thời sự cố sạt lở đê tiếp tục mở rộng và lấn sâu vào bên trong, tỉnh tiến hành thi công ngay các rọ đá với chiều dài 30 m, khoảng 300 m đá hộc, ước kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Về giải pháp lâu dài, theo ông Ngô Nguyên Phong, cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kè ngầm giảm sóng thuộc Dự án gia cố chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông - Nhà Mát, TP.Bạc Liêu. Trong thời gian tới, tiếp tục xuất hiện nhiều đợt triều cường dâng cao, để đảm bảo an toàn, ổn định cho đoạn đê này, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh Bạc Liêu cho phép ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở đoạn đầu tuyến đê biển Đông giáp ranh tỉnh Sóc Trăng.