Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland (HoSE: EVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu thuần hơn 278 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng gần 10 tỷ đồng lên 272 tỷ đồng kéo lãi gộp của doanh nghiệp giảm từ 15,9 tỷ đồng xuống 6 tỷ đồng.
Song các chi phí đều tăng cao khiến EVG báo lãi sau thuế giảm 73% xuống mức 3,3 tỷ đồng. Lý giải về việc sụt giảm này, doanh nghiệp cho biết trong quý IV/2022 thị trường vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ việc điều tiết chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước đối với hoạt động xây dựng và đầu tư bất động sản. Nhằm duy trì hệ thống khách hàng và ổn định chuỗi cung ứng trong hoạt động thương mại đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng, Everland và các công ty con đã phải điều chỉnh mức giảm lợi nhuận bán hàng.
Năm 2022, EVG ghi nhận doanh thu thuần đạt kỷ lục ở mức 1.277 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp thu về khoản lãi sau thuế đạt 27 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021.
Trong năm, giá vốn hàng bán tăng 32% lên mức 1.239 tỷ đồng khiến biên lãi gộp giảm nhẹ từ 3,6% cùng kỳ xuống 2,9%, công ty ghi nhận lãi gộp tăng 7% lên 38 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra đầu năm, ban lãnh đạo EVG đã đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 11.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 78,2 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 106% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ đạt 35% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 2.829 tỷ đồng, tăng 39% so với hồi đầu năm. Phần tăng chủ yếu đến từ chi phí xây dựng dở dang tăng 13,6 lần lên gần 410 tỷ đồng, trong đó, Dự án Tổ hợp du lịch Nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn tăng 33 lần lên 382 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Everland An Giang cũng mang lại cho Everland 550 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ trong khi đầu năm không ghi nhận.
Dự án Tổ hợp du lịch Nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn do CTCP Everland Vân Đồn (công ty con của Everland Group) làm chủ đầu tư, được triển khai tại Lô M1 - Khu đô thị Du lịch và Bến cảng cao cấp Ao Tiên nằm trong Khu kinh tế Vân Đồn. Dự án được khởi công xây dựng ngày 30/4/2022 và hồi cuối tháng 7/2022, Everland đã ký kết thỏa thuận với Delta Group thi công dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Theo quy hoạch được phê duyệt, Dự án Crystal Holidays Harbour Vân Đồn bao gồm tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch với hơn 2.200 phòng tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, trong đó có các penthouses, phòng tổng thống và sky villa, cùng các công trình phụ trợ gồm trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, đại lộ mua sắm và bến du thuyền.
Tại Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn Everland và các đối tác vào ngày 25/7/2022, ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch Tập đoàn Everland cho biết, Dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn được xây dựng theo mô hình du lịch thông minh “All in one” – gắn kết giữa đầu tư, quản lý hạ tầng bất động du lịch bao gồm khách sạn, resort, trung tâm thương mại, khu mua sắm, vui chơi giải trí, thể thao, spa, sân golf và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên nền tảng quản trị và công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, Everland cũng đầu tư nhiều dự án lớn trên cả nước như Tổ hợp nghỉ dưỡng Crystal Holidays Marina Phú Yên với diện tích 29ha, Everland Park với diện tích 90,46ha tại Khánh Hòa, Tổ hợp Thương mại dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay diện tích 7,32ha tại Phú Yên, Crystal Holidays Heritage Lý Sơn diện tích 3,12ha tại Quảng Ngãi.
Tại ngày 31/12/2022, khoản phải thu khách hàng của Everland tăng gần 4 lần so với đầu năm lên hơn 400 tỷ đồng. Biến động chủ yếu ở Công ty TNHH Thương mại Hà Vĩnh ghi nhận 199,6 tỷ đồng trong khi đầu năm không phát sinh, CTCP Thương mại Mango Việt Nam tăng gấp 13 lần lên 77 tỷ đồng và CTCP Quốc tế Phương Anh tăng 36% lên 82 tỷ đồng.
Khoản phải thu khác dài hạn của Everland ghi nhận giảm 9% xuống mức 496 tỷ đồng, phần giảm đến từ CTCP CLB Du thuyền Đệ Nhất giảm từ 300 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 180 tỷ đồng. Đáng chú ý, Du thuyền Đệ Nhất do ông Đậu Quốc Dũng làm người đại diện, người đã tham gia mua 750.000 cổ phiếu EVG bị "ế" vào đợt phát hành tháng 8/2018, ông còn là Trưởng văn phòng đại diện Đồng Tháp của CTCP Everland An Giang. Ngoài ra, Du thuyền Đệ Nhất là thành viên thuộc Tập đoàn Crystal Bay của doanh nhân Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐQT của Crystal Bay Group.
Xét về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Everland giảm một nửa so với đầu năm xuống gần 277,8 tỷ đồng. Chủ yếu đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn ghi nhận gần 47,5 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ ghi nhận 321 tỷ đồng, trong kỳ công ty cũng không ghi nhận phát sinh khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Vốn chủ sở hữu của EVG tăng mạnh 66% lên 2.598 tỷ đồng, trong đó có 2.152 tỷ đồng từ vốn góp, tăng gấp đôi so với đầu năm. Cụ thể, ông Lê Đình Vinh - Chủ tịch HĐQT đã hoàn tất mua thêm cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu, mua cổ phiếu công ty chào bán cho các cổ đông hiện hữu và công ty trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu từ 26,6 triệu cổ phiếu hồi đầu năm lên 56,7 triệu cổ phiếu, tương đương tăng tỷ lệ sở hữu từ 25,3% lên 26,3%. Ông Lê Đình Tuấn - Phó Tổng Giám đốc đồng thời là em trai ông Vinh và ông Nguyễn Thúc Cẩn là Tổng Giám đốc Everland cũng mua cổ phiếu công ty chào bán cho các cổ đông hiện hữu và công ty trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tăng lần lượt từ 882.500 cổ phiếu lên 1,86 triệu cổ phiếu và 7,8 triệu cổ phiếu lên 16,1 triệu cổ phiếu.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp ghi nhận âm 190 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 989 tỷ đồng.