Thông tin này được thiếu tướng Lê Xuân Đức, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết tại buổi thông tin công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2023 do Cục Cảnh sát giao thông tổ chức sáng 22-2.
Trả lời câu hỏi về việc người dân có quyền yêu cầu kiểm tra máy đo nồng độ cồn, xác minh nguồn gốc và tem kiểm định để đảm bảo việc đo nồng độ cồn chính xác hay không, thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay trong quy chế dân chủ bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã công khai kế hoạch trên website của cục và công an các tỉnh, thành phố.
Bắt khẩn cấp tài xế trốn kiểm tra nồng độ cồn, làm cảnh sát giao thông bị thươngĐỌC NGAY
"Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng cảnh sát giao thông theo quy định của Bộ Công an. Do vậy người dân được giám sát, kiểm tra những gì được pháp luật quy định.
Đối chiếu pháp luật cho thấy không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ này. Việc kiểm tra thuộc về phạm vi, chức năng của cơ quan chức năng.
Trách nhiệm của người dân đã được quy định cụ thể trong quy chế dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông", ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết hiện nay trên máy đo nồng độ cồn có hai chế độ. Một là chế độ đo định tính, hai là đo định lượng.
"Việc đo nồng độ cồn hiện nay được thực hiện bằng hai bước: đo định tính, sau đó mới đo định lượng. Những người ăn hoa quả, sử dụng thuốc đau răng, uống siro… thì đã được đo bằng định tính, xác định có cồn mới đo bằng định lượng. Cảnh sát giao thông thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo không xử lý sai quy định" - ông nói.
Về đề nghị tăng mức xử phạt nồng độ cồn để tăng mức răn đe, thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết Cục Cảnh sát giao thông ghi nhận ý kiến này. Trong quá trình xây dựng luật, nghị định thì đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến, báo cáo cơ quan chức năng để mức xử phạt đủ sức răn đe.
Ông Đức cũng nhấn mạnh lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo hai chuyên đề trọng tâm từ năm 2022-2023, đó là xử lý nồng độ cồn và cơi nới xe thùng, quá tải. Việc xử lý này không có vùng cấm.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ giữa tháng 11-2022 đến đầu tháng 2-2023, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 660.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 1.246 tỉ đồng. Trong đó phát hiện hơn 117.000 người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền 543 tỉ đồng.
Về nhiệm vụ trong năm 2023, Cục Cảnh sát giao thông cho biết sẽ tập trung thực hiện xuyên suốt hai chuyên đề công tác trọng tâm gồm xử lý vi phạm nồng độ cồn và chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.
Thủ tướng gửi thư khen lực lượng cảnh sát giao thông
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương, khen ngợi những kết quả, thành tích mà lực lượng cảnh sát giao thông đã đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức và hành động, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, khắc họa rõ nét hơn nữa hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông vì nhân dân phục vụ, quyết tâm tạo chuyển biến tích cực hơn nữa tình hình trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn bình yên trên các tuyến đường, đóng góp xứng đáng vào nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
6 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương vừa bị bắt vì sai phạm trong công tác kiểm tra nồng độ cồn, dùng máy đo nồng độ cồn không do Bộ Công an cấp.