Như đã thông tin, sau loạt bài điều tra Loạn quảng cáo thần dược của Tuổi Trẻ, mặc dù Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo dỏm, điều tra buôn bán "thần dược" giả, nhưng trên các trang mạng vẫn còn nhiều clip quảng cáo đăng tải thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng như "thuốc tiên".
Mới đây nhất, trong vai người bệnh muốn mua "thuốc tiên" Bách Dạ Hoàn, phóng viên Tuổi Trẻ được ông Nông Văn Đồng - chủ nhà thuốc đông y gia truyền (xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) cho biết: "Bách Dạ Hoàn không phải do tôi bào chế, họ lấy hình ảnh của tôi đi lừa đảo".
Lý giải về việc tại sao ông tự nhận mình là người bào chế ra "thuốc tiên" Bách Dạ Hoàn, ông Đồng tiết lộ: "Mỗi tháng họ cho tôi 5 triệu đồng, cho được 3 tháng thì cũng cắt luôn. Lừa dân nhiều lắm rồi, có người mất hơn 10 triệu đồng".
Để tạo thêm tính chân thực trong nhiều clip quảng cáo được tung lên mạng, bà Dung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khóc lóc thảm thiết, kể lể hoàn cảnh bi đát như chồng đã mất... Tuy nhiên, ông N.T.T. (50 tuổi, chồng bà Dung) vẫn đang khỏe mạnh bình thường.
Không chấp nhận cách làm ăn bằng mọi thủ đoạn vụ lợi xem thường sinh mạng người khác, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online tiếp tục lên tiếng và đề nghị các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa để xử lý tận gốc vấn nạn này.
"Một số trang mạng chèn quảng cáo nhưng 'nổ' quá sai sự thật, nhất là về thuốc thang để chữa bệnh. Người bệnh vái tứ phương, gặp các 'thầy đại bịp' này tiền mất tật mang. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý vấn nạn quảng cáo sai sự thật này" - bạn đọc Nguyen Hai viết.
Các cơ quan quản lý làm gì mà mỗi khi báo chí đăng lên mới bắt đầu rà soát, kiểm tra? - nhiều bạn đọc đặt vấn đề như vậy.
Về ý này, bạn đọc Hồ Thanh góp ý: "Những thứ tương tự như thế này hiển thị nhan nhản mỗi ngày trên các trang mạng, kể cả trên các kênh truyền hình. Ngay cả những người dân bình thường có điện thoại thông minh vẫn bị hiển thị xem đến phát chán".
Cũng theo bạn đọc Hồ Thanh: "Nếu cứ đợi báo chí viết bài rồi mới rà soát thì dân bị lừa nhiều lắm, đôi khi đơn vị lừa đảo đó kiếm đủ, họ dọn dẹp sạch sẽ để chuyển địa chỉ mới làm sản phẩm khác nữa rồi".
Ngăn chặn từ trong trứng nước những hành vi lừa đảo tương tự, theo bạn đọc Nguyên: "Cơ quan thi hành pháp luật phải nhanh chóng truy tố những kẻ lừa đảo buôn bán, quảng cáo thần dược giả để ngăn ngừa hậu quả chết người".
Không chỉ người trong cuộc mà những nhân vật của công chúng, các nghệ sĩ tiếp tay cho những quảng cáo thuốc dỏm cũng cần được nghiêm trị, tẩy chay để họ chừa thói ham tiền bất chấp đạo lý.
Về ý này, bạn đọc Lý Hoàng gợi ý: "Nên cấm sóng vĩnh viễn các nghệ sĩ, người có ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật trên truyền hình và trên YouTube cũng như trên các phương tiện khác, đồng thời phạt vi phạm hành chính thật nặng. Trường hợp người tiêu dùng tin lời mua sản phẩm bị ảnh hưởng sức khỏe, bị thiệt mạng thì khởi tố hình sự luôn".
Hơn 2.000 quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng đã được gỡ bỏ trên kênh YouTube trong tháng 12-2022.