Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, yêu cầu các nhà trẻ vứt bỏ tã dơ tại chỗ thay vì đưa lại cho phụ huynh khi họ đến đón con vào cuối ngày.
Vào đầu tháng 2, ông Kato cho biết chính phủ đang định cung cấp các gói hỗ trợ tài chính để hỗ trợ việc xử lý tã dơ, bao gồm chi phí để mua một loại thùng rác được thiết kế đặc biệt.
Quy định kỳ lạ này có từ năm 2011. Theo chính quyền thành phố Kyoto - một trong những khu vực hành chính đang áp dụng chính sách trên, việc các nhà trẻ yêu cầu phụ huynh mang tã đã qua sử dụng cho con về nhà được áp dụng từ tháng 4-2011.
Lý do là vì các nhà trẻ công tại Kyoto chuyển từ sử dụng tã vải sang tã giấy dùng 1 lần, nhằm thu hẹp khoảng cách với các cơ sở tư nhân - nơi đồ dùng 1 lần đã trở thành tiêu chuẩn.
Cho tới nay, các nhà trẻ công tại khoảng 40% khu vực hành chính ở Nhật Bản đang yêu cầu các bậc phụ huynh mang tã hoặc bỉm đã qua sử dụng của con cái họ về nhà.
Theo khảo sát được thực hiện vào năm 2022 bởi công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em Baby Job, có trụ sở tại Osaka, quy định này gây không ít phiền toái cho các bậc phụ huynh vì cho rằng việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em trong cộng đồng là một nhiệm vụ hành chính công.
Khi được hỏi lý do cho việc làm này, 43% nhà trẻ cho rằng việc mang tã dơ về nhà sẽ giúp phụ huynh theo dõi được tình trạng sức khỏe của con họ nhờ quan sát chất thải, 14% nhà trẻ cảm thấy khó khăn trong việc giữ và vứt bỏ tã đã qua sử dụng, 9% cho biết họ không thể chi trả cho việc vứt bỏ tã dơ.
Tuy nhiên, 30% số nhà trẻ cũng không biết tại sao phụ huynh được yêu cầu mang tã dơ về nhà và chỉ xem đó như một thông lệ bình thường.
“Tôi có thể hiểu lập luận từ cả hai phía. Nhưng trong vai trò là một phụ huynh, tã dơ là thứ tôi không muốn thấy nhất khi đón con về từ nhà trẻ sau một ngày làm việc dài”, báo SCMP dẫn lời cô Kanako Hosomura. Cô Kanako cũng chia sẻ rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm khi nhà trẻ của con cô ở thành phố Yokohama không bắt phụ huynh phải mang tã về nhà.
“Tôi biết là việc thay tã cho con người khác không hề vui vẻ và các cô giáo cũng còn rất nhiều việc cần làm. Nhưng đối với các cơ sở chăm sóc trẻ do thành phố vận hành nhờ vào tiền thuế của người dân, tôi không nghĩ đây là đòi hỏi quá đáng", cô Kanako nói thêm.
TTO - 'Tại sao tôi phải mang tã bẩn về nhà? Tôi chưa bao giờ nói với nhân viên nhà trẻ rằng điều đó thật phiền hà vì tôi không muốn gây căng thẳng. Nhưng quy định ấy thật khó hiểu', một phụ huynh phản ảnh.
Xem thêm: mth.24661106122203202-hnyuh-uhp-ohc-od-at-aud-gnohk-ert-ahn-uac-uey-nab-tahn/nv.ertiout