Ngày 22-2, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia - bà Retno Marsudi và người đồng cấp Trung Quốc (TQ) Tần Cương cho biết Jakarta và Bắc Kinh sẽ tăng cường đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, theo kênh Channel NewsAsia.
Ông Tần đang có chuyến thăm 3 ngày đến Indonesia theo lời mời của bà Marsudi, tại đây cả hai bộ trưởng đã thảo luận về các vấn đề khu vực cũng như song phương.
Indonesia hiện là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong tuyên bố chung với ông Tần, bà Marsudi cho biết Indonesia và ASEAN mong muốn một Biển Đông hòa bình và ổn định.
“Điều quan trọng là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”.
Sau thời gian trì hoãn do đại dịch, các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử [trên Biển Đông] sẽ tiến hành trở lại và tăng cường bằng thảo luận trực tiếp” - bà nói thêm.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (trái) và người đồng cấp Indonesia - bà Retno Marsudi tại thủ đô Jakarta (Indonesia) ngày 22-2. Ảnh: REUTERS |
Theo bà Marsudi, Indonesia và ASEAN mong muốn tạo ra một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, thực chất và khả thi.
Về phía TQ, ông Tần cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới và sự cạnh tranh giữa các cường quốc không nên xuất hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nhắc lại tuyên bố trước đó của người tiền nhiệm Vương Nghị rằng các nước trong khu vực không nên bị buộc phải chọn bên.
“Chúng tôi tin rằng Indonesia và ASEAN sẽ đưa ra đánh giá và lựa chọn độc lập của riêng mình dựa trên sự ổn định, phát triển và thịnh vượng” - ông nói.
Nhà ngoại giao TQ ủng hộ sự độc lập chiến lược của ASEAN và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
“Là các quốc gia giáp Biển Đông, Indonesia và TQ sẽ làm việc với các thành viên ASEAN khác để thực hiện tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử” - ông Tần nói thêm
Các bộ trưởng không đề cập khi nào các cuộc đàm phán sẽ diễn ra nhưng đầu tháng này, bà Marsudi nói rằng đàm phán sẽ diễn ra vào tháng 3.
Chuyến thăm Indonesia là lần đầu tiên ông Tần đến Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức.