Đứng trên dàn lưới còn mới tinh nhưng bị cắt thành khúc như chặt rau, ông Huỳnh Văn Khôi (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-91829 vừa trở về từ Hoàng Sa - nói như khóc:
"Tụi nó (nhóm người Trung Quốc) nhảy lên tàu ép tui cắt lưới, tui không cắt nó giơ cây gậy sắt dài đòi quýnh nên tui phải cắt. Bộ lưới cả mấy trăm triệu giờ nát như bún thì chỉ còn vứt chứ không thể phục hồi được".
Vào neo trú tránh bão ở Hoàng Sa thì bị bắt
Sáng 23-2, ông Phạm Văn Châu - chủ tịch UBND xã Tam Giang - cho biết đã cử đoàn xuống nắm bắt thông tin, thăm hỏi động viên ngư dân Huỳnh Văn Khôi sau vụ việc tàu cá của ông Khôi bị chặt phá ngư cụ khi đang khai thác hợp pháp tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Sáng cùng ngày, ông Khôi đã làm đơn trình báo sự việc lên chính quyền xã, Đồn biên phòng cảng Kỳ Hà. Nắm bắt thông tin, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cũng đã xác minh tọa độ tàu cá QNa-91829 của ông Khôi nằm trong vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ông Khôi cho biết tàu cá của ông rời cảng ra biển từ ngày 6-12. Lúc 10h sáng ngày 19-2, sau khi đánh bắt được 1,5 tấn mực và cá thì gió lớn nổi lên, ông Khôi tính đưa tàu vào một rạn đá thuộc quần đảo Hoàng Sa để neo trú tạm.
Tuy nhiên trên đường vào thì bất ngờ một tàu lớn của Trung Quốc mang số hiệu 4301 tìm cách tiếp cận tàu cá của ông, nhóm người trên tàu Trung Quốc thả xuồng nhỏ rồi cầm gậy sắt, mặc sắc phục, loa nhảy lên tàu cá của ông.
"Họ mặc sắc phục giống như lực lượng kiểm ngư Trung Quốc. Áo tông màu trắng xám có chấm li ti. Khi lên họ nói tiếng Trung Quốc, lớn tiếng đe nẹt nhưng thấy tụi tui không hiểu nên họ chuyển qua thông dịch viên. Họ bảo rằng tàu cá của tui đi vào vùng biển Trung Quốc nên phải bắt và xử phạt" - ông Khôi thuật lại.
Đáp lại, ông Khôi nói rằng vùng biển tàu cá ông đang di chuyển là biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tàu của ông cũng không vào bờ để đánh bắt mà chỉ tránh dông lốc.
"Nghe tui nói vậy họ đưa ra một tờ giấy bằng tiếng Việt, nội dung ghi là tàu cá của tui xâm phạm vùng biển Trung Quốc và chấp hành xử phạt, tịch thu ngư cụ. Nhưng tui không chịu" - ông Khôi kể.
Ông Khôi cho biết sau khoảng vài chục phút giằng co qua lại, nhóm người Trung Quốc vung gậy đòi đánh ông và anh em bạn tàu. Không còn cách nào khác, ông phải ký vào một tờ biên bản nhưng ông mở ngoặc và ghi rõ rằng tàu mình không xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, chỉ đang đi tìm trú dông.
Sau khi ký xong, nhóm người Trung Quốc tiếp tục khống chế, bắt ông Khôi phải tự lấy dao chặt nát dàn lưới.
Nhóm người này dùng ca nô lấy 1/2 bộ lưới đã bị chặt bấy cùng 1,5 tấn cá, mực trên tàu cá ông Khôi rồi đưa qua tàu 4301.
"Họ chuyển canô mấy lần mới hết. Làm xong thì ép tui đưa tàu tiến sát tàu 4301 của họ để họ cẩu bộ chì lưới qua. Tui bảo bộ chì cả tấn, tui ép tàu vô mà lỡ nó có lật chết người thì các ông tự chịu trách nhiệm, nghe vậy thì họ rời khỏi tàu và thả cho tụi tui về" - ông Khôi nói.
Chuyến đi Hoàng Sa tơi tả
Sau khi bị phá ngư cụ, lấy hết cá và một số đồ đạc có giá trị, trưa 19-2 tàu của ông Khôi trở về. Tại cảng Kỳ Hà, ông đã trình báo toàn bộ sự việc và được bộ đội biên phòng ghi nhận, xác minh.
Đứng thẫn thờ trên tàu cá chỉ còn bộ khung, ông Khôi nói như khóc. Chiếc tàu cá mới mua sắm để đi biển mưu sinh của ông giờ chỉ còn xác, toàn bộ thiết bị, dàn lưới đã bị hư hại.
"Thiệt hại của tui bao gồm cả 1,5 tấn cá bị cướp, dàn lưới là gần 500 triệu đồng. Giờ tui chỉ còn biết kêu xã, chính quyền hỗ trợ chứ không thể bám víu vào đâu" - ông Khôi nói.
Chủ tịch UBND xã Tam Giang nói rằng sẽ tìm cách giúp đỡ ông Khôi. "Trước mắt chúng tôi tới thăm hỏi, động viên ông Khôi và anh em bạn biển. Xã sẽ làm tờ trình cụ thể báo cáo thiệt hại và đề xuất hỗ trợ một phần" - ông Phạm Văn Châu nói.
Theo nhiều ngư dân ở Núi Thành (Quảng Nam), thời gian gần đây lực lượng Trung Quốc gia tăng chèn ép, xua đuổi và đập phá ngư cụ để làm ngư dân Việt Nam nản lòng trên vùng biển Hoàng Sa truyền thống của người Việt.
Nhiều tàu cá đi đánh gần đầy cá thì bỗng bị cướp sạch, nặng thì người bị bắt rồi xử phạt, tàu cá bị tịch thu khiến ngư dân đổ nợ; nhẹ thì như trường hợp của ngư dân Khôi.
"Tụi tui chỉ đi mưu sinh, đi trong vùng biển của mình mà họ làm càn quá nên đôi lúc thấy chán nản. Nhưng là ngư dân thì phải ra biển mỗi ngày để giữ biển, giữ nghề" - ông Nguyễn Ngọc Thành, một ngư dân ở Tam Quang, nói.
Hoàng Sa, không ai quên lãng TTO - Đã thành lệ, cứ 1-2 tháng, những người lính già từng tham gia trận hải chiến Hoàng Sa mấy chục năm trước lại góp với nhau ít tiền dưỡng già, tụ họp một buổi, ôn chuyện cũ bên lon bia, ly nước ngọt. |
Xem thêm: mth.32394648032203202-ob-ev-at-iot-nad-ugn-as-gnaoh-neib-nert-ahp-ib-ac-uat/nv.ertiout