Đây là chia sẻ của ông Trần Bình Giang, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, tại tọa đàm "Ngành y vượt khó" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 23-2.
Không mua sắm được hóa chất xét nghiệm
Tại tọa đàm, ông Giang cho hay hiện nay các bệnh viện, không chỉ Bệnh viện Việt Đức mà còn Bệnh viện Chợ Rẫy đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều bệnh viện lớn trên cả nước hầu như vật tư y tế dành cho chăm sóc người bệnh đã hết, các hóa chất xét nghiệm cũng hết.
"Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn", ông Giang cho biết.
Liên quan đến việc mua sắm hóa chất xét nghiệm sử dụng cho các hệ thống xét nghiệm, ông Giang cho hay hiện nay trên thị trường hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng. Vì vậy, bệnh viện đang gặp một số khó khăn, cụ thể nếu bệnh viện mua máy hoặc thuê máy xét nghiệm thì đồng nghĩa với việc bệnh viện phụ thuộc vào hóa chất sử dụng cho máy đó trong suốt dòng đời của máy hay trong thời gian thuê. Vì thế, khi đấu thầu sẽ rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, sẽ vi phạm quy định về chỉ định thầu.
Bên cạnh đó, hiện nay tại tất cả các bệnh viện đấu thầu hóa chất chạy máy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp các giải pháp để triển khai xét nghiệm bao gồm phần mềm kết nối với mạng LIS, máy xét nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, bảo hành, bảo trì... Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa nên khi tra cứu và so sánh giá vô cùng khó khăn, dẫn tới phát sinh nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện đấu thầu...
"Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ tại bệnh viện chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn. Đây là việc "cấp cứu của cấp cứu", làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 - 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn một tháng nữa là hết", ông Giang nói.
Lo không đủ chi phí trả lương y bác sĩ
Cũng nói về khó khăn trong mua sắm thiết bị y tế, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay thiết bị để khám chữa bệnh cho bệnh nhân đang thiếu trầm trọng. Ông Cơ cho biết ngay mùng 6 Tết Nguyên đán, số bệnh nhân thăm khám ngoại trú đã lên tới 6.000 bệnh nhân.
"Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, bởi vậy hằng ngày số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh rất lớn. Trong khi đó hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết.
Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh liên kết cũng đã hết hiệu lực và chúng ta đang chờ các thông tư mới, quy định mới nên hiện tại không thể tái ký hợp đồng, cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách nào.
Do vậy chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách của Chính phủ để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh", ông Cơ nói.
Hai lãnh đạo bệnh viện cũng cho hay hiện nay nguồn thu của các bệnh viện đều đang bị giảm sút, cấu thành giá dịch vụ chưa tính đúng tính đủ khiến hai bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong thu chi.
"Chúng tôi đang rất lo lắng đến ngày 1-7 chi cho lương mới thì nguồn chi thường xuyên của bệnh viện chưa chắc đã đủ để chi lương cho cán bộ y tế. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì thế tôi mong Bộ Y tế, Chính phủ sớm có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành y đang gặp trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định, và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để.
Về tháo gỡ tài chính cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết bộ đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định. Bộ cũng đang dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến liên doanh liên kết.
Ở cùng một vị trí đã được khảo sát, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai trước đó khẳng định "hết sức cần thiết" và đầu tư cả trăm tỉ đồng để lắp đặt thiết bị quan trắc, nhưng vài năm sau lại bảo "chưa thật sự cần thiết".
Xem thêm: mth.76310051132203202-uuc-pac-nac-neiv-hneb-nac-pas-ut-tav-tahc-aoh-mas-aum-cam-gnouv/nv.ertiout