Bạn đọc Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề: trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính ở đâu trong chuyện đòi nợ thuê này?
Cấu kết với ngân hàng, công ty tài chính
Theo Công an tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi tháng, tổ chức đòi nợ thuê núp bóng công ty luật này nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 - 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng.
Sau đó công ty này cho nhân viên đi đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố... trên nhiều địa bàn: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, TP.HCM, TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Bạn đọc có nick name Đặt Dấu Hỏi bức xúc: "Tại TP.HCM, các nhóm đòi nợ thuê đến tận cơ quan, nhà ở, thậm chí tạt mắm tôm vào nhà của người thân con nợ, người dân cầu cứu công an rồi người dân bị bọn này đe dọa nhiều hơn. Vậy mà đến nay vẫn còn tồn tại".
Với vụ án trên, cơ quan cảnh sát điều tra đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cưỡng đoạt tài sản, với phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý, giáo viên chủ nhiệm… có liên quan đến bị hại.
Thậm chí, tổ chức tội phạm này còn có hành vi đe dọa giết vợ, con, người thân…, đem quan tài, bình gas… để khủng bố, buộc các bị hại phải trả nợ xảy ra ở nhiều địa phương.
Có ý kiến về nội dung trên, bạn đọc H.Thảo viết: "cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm máy tính bàn dùng để gào thét, chửi rủa, đe dọa, khủng bố, uy hiếp tinh thần... bao người suốt ngày từ Nam ra Bắc.
Tội này có lẽ không tàu xe nào chở hết. Đề nghị thẳng tay trừng trị theo luật pháp. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng xử lý luôn các ngân hàng, công ty tài chính đã câu kết và cùng nhau vi phạm pháp luật".
Tổ chức tài chính phải chịu trách nhiệm
Bạn đọc Tuấn Saigon cũng "yêu cầu phải xử lý nghiêm công ty luật đòi nợ thuê này, kể cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng liên quan".
"Những ngân hàng, công ty tài chính nhờ tổ chức tội phạm đòi nợ cũng có trách nhiệm liên quan. Sao không nhờ tòa án giải quyết mà nhờ tổ chức tội phạm?" - bạn đọc Hách đặt vấn đề.
Còn theo bạn đọc Quang Vũ, cần xem xét trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính khi sử dụng dịch vụ khủng bố đòi nợ thuê. Đồng quan điểm, bạn đọc Q.T. bày tỏ: "Rất ủng hộ, nên triệt để dẹp vấn nạn này. Nếu khách hàng không thể trả nợ thì ngân hàng có đủ cách hợp pháp để đòi nợ, sao lại thuê đơn vị dùng cách khủng bố, đe dọa để đòi nợ?".
Nhìn ở góc độ rộng hơn, bạn đọc Nguyễn Phong Phú phản hồi: "Chúng ta đang bước vào thời kỳ đầy biến động khó khăn do hậu dịch COVID-19. Do đó ngân hàng và công ty tài chính có tác động, sức ảnh hưởng rất lớn đến xã hội và đời sống nhân dân.
Rất cần cơ quan quản lý nhà nước quy định, quản lý chặt chẽ hơn việc cho vay của ngân hàng, công ty tài chính. Để tránh hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là việc xin - cho vay - thu hồi nợ kiểu man rợ".
Bạn đọc Tèo có yêu cầu thêm: "Nên công khai tên các ngân hàng, tổ chức nào thuê công ty giang hồ này và xử lý luôn theo pháp luật".
"Đề nghị cơ quan nhà nước xử lý luôn các ngân hàng, các cá nhân, tổ chức tài chính có liên quan hoặc thuê những người, tổ chức đòi nợ thuê kiểu đe dọa, hành hung con nợ" - bạn đọc Bảo đề nghị thêm.
Chung hướng giải quyết, bạn đọc Nguyễn Văn Thời "hoan hô ban giám đốc Công an Tiền Giang đã xử lý nhóm giang hồ đòi nợ thuê, gây hoang mang cho người dân này. Đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm khắc nhóm đòi nợ thuê trên và các ngân hàng, công ty có hình thức cấu kết đòi nợ thuê theo kiểu khủng bố, đe dọa này".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì về vấn đề trên? Bạn có đang gặp phải những trường hợp bị đe dọa, khủng bố đòi nợ như trên? Theo bạn, cơ quan chức năng cần giải quyết vụ việc ra sao?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến phản hồi trong ngày qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Trùm băng giang hồ ở miền Tây gọi hai đệ tử Vui và Hiền đến nhà ông Tiến đòi nợ thuê, hứa nếu đòi được 700 triệu đồng thì mỗi người sẽ được trả tiền công 50 triệu.
Xem thêm: mth.30362907132203202-nac-ov-hnihc-iat-yt-gnoc-gnah-nagn-euht-on-iod-ob-gnuhk/nv.ertiout