Từ ngày 22 đến 23-2, phái đoàn EU do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu David McAllister dẫn đầu đến Việt Nam để gặp gỡ và thảo luận với các cơ quan liên quan về các chính sách đối ngoại, an ninh quốc tế và khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi xanh.
EU và ASEAN đã nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2022. Ông McAllister đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong thúc đẩy mối quan hệ tại khu vực, khẳng định EU xem "Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN".
"Tại Biển Đông, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì ổn định và hòa bình, trong đó có tự do hàng hải, tự do hàng không, giải quyết khủng hoảng và xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", ông McAllister khẳng định.
Bên cạnh đó, EU hoan nghênh việc Việt Nam cam kết giảm rác thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh.
"Việt Nam là nước có nguy cơ chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Chúng tôi sẽ cùng với các đối tác hỗ trợ ASEAN, trong đó có Việt Nam, chuyển đổi bền vững, chuyển đổi xanh từ các nhiên liệu khoáng thạch sang các nguồn năng lượng sạch", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu nói.
Trước đó vào ngày 15-12-2022, các nước G7 và Việt Nam đã tham gia thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỉ USD.
Tăng trưởng thương mại đáng kể nhờ FTA
Việt Nam là một trong hai quốc gia ASEAN mà EU có các hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất tại khu vực. EU cho rằng các FTA đã được ký kết và thực thi là cơ sở thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.
"Thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) năm 2020, thương mại, kinh tế và đầu tư đã có sự tăng trưởng đáng kể", ông McAllister đánh giá.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về tiến trình phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), ông cho biết hiện đã có 12 quốc gia thành viên EU phê chuẩn hiệp định này và "đang vận động các thành viên còn lại thúc đẩy quá trình này".
Ngày 12-2-2020, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu đã thông qua EVIPA. Thiết kế dựa trên mô hình của Hiệp định EU - Singapore (ESIPA), EVIPA được cho là có khả năng thay thế 21/28 hiệp định đầu tư song phương hiện có giữa Việt Nam với 22 nước thành viên EU.
EVIPA cần được thông qua bởi toàn bộ các quốc gia thành viên EU trước khi chính thức có hiệu lực.
Vẫn còn quá sớm để gỡ bỏ thẻ vàng IUU
Khi được Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết hiện còn "quá sớm để đưa ra câu trả lời", tuy nhiên "Việt Nam đang đi đúng hướng" trong những nỗ lực gỡ bỏ thẻ vàng.
Phái đoàn cho biết thẻ vàng IUU là chủ đề được thảo luận xuyên suốt toàn bộ chuyến đi. Phía EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc đấu tranh với nạn đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý, bao gồm các cam kết chính trị và sửa đổi luật pháp.
"Chúng tôi sẽ xem xét các điều kiện và cân nhắc gỡ bỏ thẻ vàng trong năm 2023", ông McAllister cho biết.
Central Retail vừa công bố khoản đầu tư 1,45 tỉ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới, đánh dấu khoản lớn nhất từ trước đến nay mà tập đoàn Thái Lan này đổ vào.
Xem thêm: mth.64924910232203202-naesa-oav-ogn-auc-al-man-teiv-mex-ue/nv.ertiout