Theo báo cáo Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, năm 2022, tổng mức đầu tư mạo hiểm chỉ đạt khoảng 855 triệu USD, giảm 40% so với năm 2021. Năm nay được dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của các startup, dòng vốn đầu tư sẽ chọn lọc hơn, và đây cũng là cơ hội để nhiều doanh nghiệp tái cơ cấu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Theo các chuyên gia, năm 2023 sẽ chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Thay vì chỉ tập trung đổ tiền cho các startup có tốc độ tăng trưởng nhanh thì nay các quỹ đầu tư sẽ dồn sự chú ý cho các dự án có khả năng tăng trưởng bền vững.
"Giáo dục luôn luôn là một ngành các startup hay các nhà đầu tư tập trung, vì ai cũng phải đi học. Thứ hai là ngành du lịch, cũng là ngành sau COVID-19 mọi người đều muốn phải đi đâu đấy", ông Trịnh Minh Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VTI, Phó chủ tịch Sáng kiến Cố vấn khởi nghiệp Việt Nam, đánh giá.
Theo các chuyên gia, năm 2023 sẽ chứng kiến sự dịch chuyển rõ rệt của dòng vốn đầu tư mạo hiểm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Chậm mà chắc, 2023 là cơ hội để startup Việt điều chỉnh lại hướng đi của mình theo hướng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Thay vì tiêu tốn nhân lực, tài chính để tăng trưởng thần tốc, các startup có thể quay sang tập trung nhiều hơn vào sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
"Nếu chúng ta khởi đầu một dịch vụ, một sản phẩm mà trên thị trường nó có rất nhiều, chúng ta không có sự khác biệt, thì chắc chắn công ty startup đó sẽ khó có cơ hội để thành công. Như vậy chúng ta phải xác định được xem là sự khác biệt, sáng tạo, đổi mới của chúng ta, giá trị công ty khi tham gia vào thị trường là gì?", ông Ngô Tuấn Anh, Chủ tịch và Giám đốc điều hành, Công ty An ninh mạng thông minh SCS, nhận định.
"Năm 2023 và chắc chắn là trong giai đoạn tiếp theo, một ngành công nghệ mà Việt Nam phải tập trung là công nghệ xanh, để phục vụ cho nhiệm vụ tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia thị trường cũng đang tiếp cận các startup, thiết lập chương trình để hỗ trợ startup phát triển nền tảng công nghệ như vậy", bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng Ban Phát triển Hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Tại diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022, 39 quỹ đầu tư đã cam kết rót 1,5 tỷ USD cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến 2025. Thị trường khởi nghiệp Việt Nam vẫn cho thấy sức hút lớn với các nhà đầu tư và trong năm 2023, các yếu tố tinh gọn, hiệu quả sẽ là những tiêu chí hàng đầu để đánh giá về startup, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn hạn chế như ở thời điểm hiện tại.
VTV.vn - Theo Crunchbase News, tính đến thời điểm kết thúc quý 3/2022, trên toàn thế giới ghi nhận mức đầu tư mạo hiểm giảm xuống còn 81 tỷ USD trên gần 8000 thương vụ đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26073829042203202-3202-man-gnort-noh-col-nohc-meih-oam-ut-uad-nov/et-hnik/nv.vtv