"Sở dĩ có việc khan hiếm giá cát một phần là do từ trước Tết chính quyền phát hiện một số sai sót từ việc tổ chức khai thác, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tập trung khắc phục.
Từ vài ngày qua, các mỏ đã được yêu cầu khai thác trở lại, giá gốc tại bãi không vượt quá 150.000 đồng/m3" - một lãnh đạo huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nói.
Giá cát tăng bất thường
Cát không chỉ tăng giá cao mà còn khan hiếm khiến các công trình xây dựng 'đứng bánh'. Một số nhà thầu buộc phải mua cát từ các tỉnh khác ở xa vận chuyển về Đà Nẵng để đẩy tiến độ công trình.
Tại Quảng Nam, vệt sông Vu Gia đi qua huyện Đại Lộc là tâm điểm của các mỏ cát lớn cung cấp nguồn vật liệu cho Quảng Nam, Đà Nẵng.
Từ Tết Nguyên đán tới nay, việc đồng loạt các mỏ cát đầu mối trên sông Vu Gia tạm đóng cửa đã đẩy giá cát tăng bất thường tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Giá cát ở thời điểm cao nhất lên tới 500.000 đồng/m3, thay vì 220.000 đồng/m3 như thông thường.
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ Online tới ngày 24-2 giá cát ở Quảng Nam, Đà Nẵng vẫn dao động quanh mốc 350.000 - 400.000 đồng/m3. Tuy nhiên một số nhà thầu cho biết trong vài ngày qua đã nhận được thông tin giá cát sẽ hạ xuống do nguồn cát từ sông Vu Gia đã bắt đầu ổn định trở lại.
"Chúng tôi mới nhận được báo giá cát sẽ hạ 50.000 đồng/m3. Thực tế thì thời điểm này công trình xây dựng ở Đà Nẵng chủ yếu là tiếp tục tiến độ dang dở, số dự án xây mới hầu như rất ít do người dân không muốn bung tiền ra đầu tư giai đoạn này" - ông Nguyễn Tấn Sinh, chủ doanh nghiệp xây dựng tại Đà Nẵng, nói.
Trước tình trạng khan hiếm cát, tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các sở, ban ngành và các huyện rà soát đánh giá lại hoạt động của một số mỏ khoáng sản, trường hợp các mỏ đủ điều kiện thì đưa vào khai thác để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trả lời PV, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho biết trước việc nguồn cát khan hiếm, những ngày qua các đơn vị đã đi kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối như Công ty Pha Lê, Công ty Trường Lợi… sớm ổn định lại tình hình để mở cửa trở lại.
"Tới sáng 24-2 đã có một mỏ của Công ty Pha Lê hoạt động trở lại, với mức giá bán không vượt quá 150.000 đồng/m3 cát. Tinh thần là cố gắng rà soát để làm sao đưa các mỏ trở lại nhằm hạ nhiệt giá thành.
Hiện trên huyện Đại Lộc có 3 mỏ, ngoài Pha Lê thì hai mỏ khác cũng đang hoàn thiện các công việc và sẽ khai thác trở lại, lúc đó nguồn cung sẽ ổn định" - một lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc thông tin.
Khan hiếm, một mỏ cát đấu giá cao gấp hàng chục lần mức khởi điểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 24-2, ông Hồ Công Điểm - phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết một doanh nghiệp tại huyện này vừa trúng đấu giá mỏ cát với mức giá cao hàng chục lần so với đề xuất. Cụ thể: mỏ cát tại xã Phước Kim khi đưa ra đấu giá thì được đề xuất 341 triệu đồng. Qua 50 vòng, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ Phước Sơn đã trúng 17,3 tỉ đồng.
"Huyện đang có rất nhiều dự án với tổng mức vốn hơn 500 tỉ đồng cho đầu tư xây dựng nhưng thời gian qua giá cát rất căng thẳng. Các doanh nghiệp thi công tại huyện không mua được cát hoặc mua từ nơi khác về với chi phí đội lên nhiều. Vì vậy khi đưa ra đấu giá mỏ thì các công ty sẵn sàng bỏ giá cao để có nguồn cát" - ông Điểm nói.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố quyết định trúng thầu mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (trữ lượng 3,4 triệu m3) nằm trên sông Trà Khúc với giá trúng là hơn 380 tỉ đồng, vượt gần 15 lần so với giá khởi điểm 25,9 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.85200640142203202-tac-aig-teihn-ah-ed-ial-ort-caht-iahk-man-gnauq-iat-iom-uad-om-cac/nv.ertiout