Bên lề hội thảo "Lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)" diễn ra ngày 23-2, một số đại biểu cho rằng: "Ngân hàng nói khách "tự nguyện mua bảo hiểm" là không khách quan, lấp liếm sự thật. Cần dựa vào "điều cấm" để cơ quan nhà nước bắt buộc đơn vị làm sai phải khắc phục, hoặc người dân có quyền khởi kiện các tổ chức để đòi lại khoản tiền mua bảo hiểm, ngay cả khi đã hoàn thành hợp đồng giao dịch".
Giở trò vào phút chót để ép mua bảo hiểm
Việc vay tiền phải mua bảo hiểm giống như kiểu "mua bia kèm lạc", phía ngân hàng dùng nhiều cách thức để lách các quy định, dẫn dắt dễ gây hiểu nhầm trong giao dịch, đặc biệt đối với những người lớn tuổi. Do đó, cần có điều khoản quy định cụ thể, tách biệt về các hoạt động được và không được thực hiện đối với ngân hàng, đây là cách để bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng tình với các ý kiến trên, bạn đọc Nguyễn Chí Công bình luận: "Xin các cơ quan có thẩm quyền đừng quanh co nữa. Thật sự người vay bị ép mua bảo hiểm nhưng vì lệ thuộc ngân hàng mà hiếm có ai dám lên tiếng. Với tư cách hiện tại là người trong cuộc, tôi nghĩ rằng con số bị ép vay mua bảo hiểm không hề nhỏ. Chỉ cần xem xét số lượng người đi vay có mua bảo hiểm là thấy được sự bất thường. Mong sự việc sớm được ngăn chặn".
Bạn đọc Bun cho biết: "Làm gì có vụ tự nguyện mua. Mình đi vay thì nhân viên ngân hàng nói thẳng là mua bảo hiểm thì sẽ làm thủ tục cho vay và rất nhiệt tình hỗ trợ. Mua xong năm sau phải bỏ vì không có tiền đóng và cũng không có dự định đầu tư bảo hiểm".
Từng rơi vào trường hợp này, bạn đọc Nguyen Tuan kể: "Vay ngân hàng mua cái ô tô, lúc tư vấn tôi đã hỏi rất kỹ có phải mua bảo hiểm nhân thọ không. Họ trả lời không, đến khi xuống tiền cọc cho đại lý và đợi lúc giải ngân họ nói sếp bắt buộc mua. Đành ngậm ngùi mua, chứ không lẽ đi bỏ cọc!".
Dù gia đình trước đó đã mua bốn gói bảo hiểm nhân thọ nhưng khi đi vay ngân hàng để mua nhà, bạn đọc Trang Lê cũng bị ép mua gói bảo hiểm nhân thọ 40 triệu đồng/năm. "Mình không đồng ý, vì thật sự không có nhu cầu mua thêm bảo hiểm, ngay lập tức ngân hàng trở mặt gây khó khăn không cho giải ngân.
Trong khi trước đó mình nói cần vay vốn, bên phía ngân hàng trả lời hồ sơ của chị tốt, khả năng thanh khoản tốt, ngân hàng giải quyết trong vòng ba ngày là được giải ngân nhận tiền liền. Khi mình đã cọc tiền nhà, ngân hàng bảo mình chụp giấy cọc và giở quẻ ngay lập tức.
Cũng may mình vay được nơi khác nhờ mối quan hệ quen biết mà không phải mất trắng 40 triệu, vì chắc chắn sẽ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phi lý đó".
Đứng đầu một doanh nghiệp, bạn đọc Minh Châu kể: "Công ty tôi là công ty TNHH góp vốn của ba người. Khi có nhu cầu vay vốn hoạt động kinh doanh thì được nhân viên ngân hàng hướng dẫn làm đề án kế hoạch vay vốn và ra công chứng chứng nhận tài sản thế chấp, tuyệt nhiên trong quá trình đó không nói gì việc phải mua bảo hiểm.
Khi doanh nghiệp cần giải ngân để thanh toán cho người bán thì nhân viên ép mua bảo hiểm 29 triệu, nếu không sẽ không được ưu tiên giải ngân. Nếu chậm thanh toán thì tiền phạt theo hợp đồng lớn hơn giá trị hợp đồng bảo hiểm, vì vậy công ty tôi đành mua đại cho một người đứng tên và rồi cũng chẳng sử dụng gì đến".
Tiền mồ hôi nước mắt vào túi ai?
"Nếu người vay bị ép thì cần thu thập những gì để làm bằng chứng và tố giác thì phải đến cơ quan nào, mang theo những gì để tố giác?" - bạn đọc Trần Chí Cương hỏi.
Từ đây, bạn đọc Nguyễn Hữu Thuận đặt vấn đề: "Giờ chỉ cần cho phép hồi tố khoản mua bảo hiểm không mong muốn do bị ngân hàng ép mua là mọi người sẽ gửi hết chứng từ bằng chứng thôi ạ. Mong lắm được hồi tố khoản mua này".
Bạn đọc trun****@gmail.com yêu cầu: "Cứ điều tra coi khách hàng mua bảo hiểm tự nguyện và tỉ lệ bỏ bảo hiểm là bao nhiêu thì ra thôi".
Về số tiền hoa hồng mà các bên nhận được sau cú bắt tay ngàn tỉ của ngân hàng và bảo hiểm, bạn đọc Lê Hùng đặt dấu hỏi: "Công ty bảo hiểm đã ứng trước cho ngân hàng số tiền hoa hồng cực lớn để rồi ngân hàng giao chỉ tiêu cho nhân viên bằng mọi cách phải bán được bảo hiểm. Muốn hoàn thành chỉ tiêu thì nhân viên bằng mọi cách ép khách hàng. Vậy số tiền hoa hồng đi đâu về đâu và được phân bổ như thế nào?".
Theo bạn đọc Le, "cần phải kiểm tra thống kê số lượng khách hàng vay vốn tại ngân hàng kèm mua bảo hiểm năm đầu tiên rồi bỏ chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thì sẽ biết được có việc ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay không. Nếu ngân hàng nào tỉ lệ này là lớn bất thường, cần giám sát và phạt không cho ngân hàng đó liên kết bán bảo hiểm nữa".
"Kiểm tra tỉ lệ người mua bảo hiểm tại ngân hàng rồi bỏ sau năm đầu và tỉ lệ nợ xấu tương quan với những người mua các hợp đồng bảo hiểm lớn. Đâu ai lại đi vứt số tiền mồ hôi nước mắt của mình!" - bạn đọc Thanh Nguyên cho biết thêm.
Bộ Tài chính, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm và Ngân hàng Nhà nước thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp bị ép mua bảo hiểm. Qua đó sẽ điều tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: mth.93840830142203202-gnohk-coud-neit-ial-yal-ioh-cod-nab-ob-ior-meih-oab-aum-pe-ib/nv.ertiout