Trong hàng loạt vụ án lớn về y tế, giáo dục bị xử lý thời gian qua (xảy ra tại Sở Y tế TP.Cần Thơ, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa…), bên cạnh những bị can "đầu sỏ" đến từ nhà thầu và chủ đầu tư, nhóm bị can không thể không nhắc tới đến từ Công ty cổ phần thẩm định giá BTCvalue (gọi tắt là Công ty BTCvalue).
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty BTCvalue được thành lập năm 2012, do ông Đặng Xuân Minh là người đại diện theo pháp luật. Công ty có địa chỉ tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội), đăng ký nhiều ngành, nghề kinh doanh, trong đó có dịch vụ thẩm định giá tài sản.
Với vai trò "chốt chặn", công ty thẩm định giá là đơn vị cung cấp chứng thư thẩm định giá để làm cơ sở cho chủ đầu tư phê duyệt dự toán cũng như kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, ở các vụ án vừa nêu, lãnh đạo và nhân viên Công ty BTCvalue đều có sai phạm trong quá trình phát hành chứng thư thẩm định giá, dẫn tới thiệt hại nhiều tỉ đồng là tài sản nhà nước.
Ký chứng thư thẩm định "4 không"
Tại Cần Thơ, bà Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group, cùng cấp dưới thông đồng với dàn cựu lãnh đạo Sở Y tế TP.Cần Thơ trong việc triển khai 4 gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Tim, gây thiệt hại ngân sách khoảng 33 tỉ đồng.
Vụ án này, 3 bị cáo thuộc Công ty BTCvalue bị tuyên án cùng về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Đặng Xuân Minh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc, 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên, 2 năm 6 tháng tù và Nguyễn Duy Hùng, nhân viên, 2 năm tù.
Theo cơ quan tố tụng, năm 2017, sau khi nắm bắt được nhu cầu đầu tư trang thiết bị tại 2 bệnh viện trên địa bàn TP.Cần Thơ, bà Hoàng Thị Thúy Nga đến gặp ông Võ Thành Thống (khi đó là Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ) để nhờ giới thiệu với lãnh đạo sở y tế, tạo điều kiện cho công ty tham gia đấu thầu.
Từ "cầu nối" này, bà Nga tiếp xúc với Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ là Bùi Thị Lệ Phi. Hai bên trao đổi, thống nhất về danh mục, giá thành hàng hóa. Công ty NSJ còn cung cấp tài liệu liên quan để chủ đầu tư làm căn cứ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, tổ chức đấu thầu.
Về phía Công ty BTCvalue, kết luận điều tra cho thấy đây là đơn vị có mối quan hệ với Sở Y tế TP.Cần Thơ. Để tạo điều kiện sớm có chứng thư thẩm định giá, nhân viên sở y tế đề nghị Công ty NSJ cung cấp các thông số kỹ thuật, bảng báo giá (có giá trị cao hơn hoặc bằng mức giá mà bà Nga và bà Phi đã thống nhất) cho Công ty BTCvalue tiến hành thẩm định giá.
Quá trình thẩm định, ông Minh với vai trò tổng giám đốc và ông Việt với vai trò thẩm định viên đã không khảo sát thực tế để thu thập thông tin theo đúng quy định, mà chỉ căn cứ trên các báo giá khống do Công ty NSJ cung cấp (bản chất là thẩm định theo yêu cầu của chủ đầu tư và nhà thầu); vi phạm quy định tại Thông tư 28/2015 của Bộ Tài chính, điều 30 luật Giá và điều 78 luật Đấu thầu.
Từ các chứng thư thẩm định giá do Công ty BTCvalue (giá bị nâng khống) phát hành, Sở Y tế TP.Cần Thơ phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo mức giá đã bị nâng khống, dẫn tới thiệt hại.
Khai với cơ quan điều tra, ông Minh thừa nhận ký 4 chứng thư thẩm định giá. Khi thẩm định giá, công ty chỉ căn cứ vào các báo giá do nhân viên thu thập mà không thực hiện khảo sát thực tế, không kiểm chứng thông tin để đảm bảo độ chính xác, không lập biên bản khảo sát hiện trạng tài sản, không xác minh về đơn vị báo giá…
Thu thập giá thiết bị từ… mạng internet
Tại Điện Biên, dưới sự can thiệp bất hợp pháp của cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Kiên, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên (gọi tắt là Công ty sách Điện Biên) do Đinh Văn Hữu làm giám đốc đã trúng 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học, qua đó gây thiệt hại ngân sách hơn 7,5 tỉ đồng.
Vụ án vừa được Viện KSND tỉnh Điện Biên ban hành cáo trạng truy tố, chuẩn bị xét xử vào đầu tháng 3 tới đây. Cũng giống tại Cần Thơ, Công ty BTCvalue tiếp tục có nhân viên bị cáo buộc về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Hồ Thị Sáu, Giám đốc Khối thẩm định 3, và Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên.
Theo cơ quan công tố, từ năm 2019 - 2020, khi biết Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học, ông Hữu đến gặp ông Kiên để nhờ tạo điều kiện cho công ty của mình trúng thầu. Ông Kiên đồng ý với điều kiện công ty phải đủ năng lực cung ứng thiết bị.
Do đã được "bật đèn xanh", Công ty sách Điện Biên xây dựng báo giá các gói thầu với mức lợi nhuận 20 - 25% để chuyển cho Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên. Nhận báo giá, cán bộ sở chỉ căn chỉnh về thể thức văn bản và chấp thuận luôn mức giá phía công ty đưa ra.
Thậm chí, để đẩy nhanh tiến độ, cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên còn đề nghị Công ty sách Điện Biên thực hiện thẩm định giá các thiết bị thay cho sở. Công ty BTCvalue là đơn vị được "chọn mặt, gửi vàng".
Khi thẩm định giá, theo đúng quy định thì Công ty BTCvalue phải khảo sát thực tế thị trường, thu thập thông tin (giao dịch thành công, hóa đơn GTGT của các thiết bị giống hệt hoặc tương tự). Thế nhưng, nhân viên công ty này chỉ thu thập báo giá các thiết bị trên mạng internet để so sánh, từ đó phát hành chứng thư thẩm định giá không chính xác.
Căn cứ vào các chứng thư nêu trên, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên ký quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, với mức giá bị chênh lệch so với giá thị trường, dẫn tới thiệt hại.
Riêng trong vụ này, ông Đặng Xuân Minh được xác định ký chứng thư thẩm định giá nhưng với vai trò là lãnh đạo công ty chứ không phải thẩm định viên trực tiếp thẩm định, không biết cấp dưới thực hiện sai các quy định về thẩm định giá, nên không đề cập xử lý.
Thông đồng để trúng thầu mua sắm đồ dùng dạy học
Tháng 7.2021, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố 9 bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Trong số này có bà Phạm Thị Hằng (khi bị khởi tố là Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa); Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên (Công ty BTCvalue) và Hồ Thị Sáu, Giám đốc Khối thẩm định 3 (Công ty BTCvalue).
Kết quả điều tra ban đầu xác định, bà Hằng đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa (nhà thầu) và Công ty BTCvalue thực hiện các hành vi vi phạm luật Đấu thầu. Mục đích để cho Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dùng dạy học lớp 1 năm 2020 - 2021, gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Chi tiết việc sai phạm trong các dự án đấu thầu chưa được Bộ Công an công bố. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, khi các thiết bị dạy học được chuyển về cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sử dụng, chỉ một thời gian ngắn đã phát sinh hư hỏng hoặc bộc lộ dấu hiệu kém chất lượng. Thậm chí, nhiều trường học khi máy móc hư hỏng, không phát huy hiệu quả thì cho vào kho chứa không sử dụng.