Sáng 24-2, tại TP Quy Nhơn, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức diễn đàn "Kinh tế báo chí năm 2023" với sự tham gia của hơn 120 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.
Doanh thu giảm thẳng đứng
Ông Trần Thanh Lâm - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết doanh thu báo chí Việt Nam đến cuối năm 2022 "giảm theo chiều thẳng đứng" và đầu năm 2023 chưa có dấu hiệu phục hồi. Do vậy, thông qua diễn đàn này để đề xuất những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhằm giúp phát triển kinh tế báo chí tại Việt Nam.
Ông Ngô Việt Anh - phó trưởng ban Nhân Dân điện tử của báo Nhân Dân - nói rằng các tòa soạn báo ở Việt Nam hiện nay gặp khó khăn về nguồn thu bởi sự cạnh tranh của truyền thông xã hội, thiếu cơ chế đặt hàng báo chí, vi phạm bản quyền. Cùng với đó là không ít báo còn chậm chuyển đổi số, chiến lược kinh doanh chưa phù hợp, sức ì nội bộ lớn.
Theo ông Việt Anh, báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số và truyền thông sáng tạo, hiện đại như tập trung nhiều hơn về quảng cáo nội dung (content marketting) nhắm vào các đối tượng chi tiêu mạnh như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, ô tô - xe máy, tổ chức sự kiện về ngân hàng, công nghệ, xe, giải thể thao…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nói rằng "nút thắt" lớn nhất trước đấy là chính quyền không bố trí ngân sách để truyền thông nay đã được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.
"Chính quyền đã thay đổi tư duy, như Bình Định năm 2023 đã dành kinh phí để đặt hàng cho báo chí, đương nhiên là chọn các báo, nhất là báo mạng có uy tín, độ lan tỏa cao để đặt hàng chứ không cào bằng" - ông Tuấn nói. "Nút thắt" thứ hai cần tháo gỡ, theo ông Tuấn, đó là các báo cần xây dựng đơn giá định mức truyền thông theo đúng quy định pháp luật.
Thu phí độc giả - nguồn thu bền vững
Còn ông Trần Tiến Duẩn - tổng biên tập báo điện tử Vietnam Plus (TTXVN) - nói rằng cơ quan báo chí cần tìm kiếm doanh thu từ các nền tảng số, kiên trì theo đuổi mô hình thu phí độc giả bằng bài vở chất lượng cao, gói thông tin, bài thực hiện từ nắm bắt thị hiếu độc giả…
"Quan trọng nhất là chất lượng, sáng tạo của tờ báo, của chương trình phát thanh, truyền hình. Khi đã có thương hiệu và chất lượng thì cơ quan báo chí có nguồn thu ổn định" - ông Duẩn nói.
Hiện ở Việt Nam chỉ có một số rất ít báo thu phí người đọc báo điện tử, trong đó có báo Tuổi Trẻ. Trong tham luận "Chăm sóc bạn đọc thế nào để tạo nguồn thu mới?", ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho hay đóng góp của người dùng báo online chính là nguồn thu mới của báo chí. Mục tiêu của Tuổi Trẻ là giữ được bạn đọc hiện nay và có thêm bạn đọc mới, đáp ứng yêu cầu bạn đọc trả phí (đóng góp sao).
"Bạn đọc mỗi ngày chỉ trả 1.000 đồng để đọc Tuổi Trẻ Sao với sự khác biệt là xuất hiện quảng cáo làm ảnh hưởng đến nội dung. Báo có thêm những nội dung từ đòi hỏi, đặt hàng của bạn đọc góp sao như các lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, pháp luật, việc làm…".
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cũng đề xuất cần giảm tối đa thuế cho báo chí, xem đó là cách hỗ trợ cho các báo chí phát triển trong giai đoạn khó khăn, khi báo chí có lợi nhuận thì sẽ đóng thuế. Để việc thu phí khả thi, lâu dài thì được thì phải bảo vệ bản quyền báo chí tới nơi tới chốn.
Ông Trần Thanh Lâm nói rằng các ý kiến tại diễn đàn sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp đầy đủ để trình bày tại buổi làm việc của Ủy văn Văn hóa - giáo dục của Quốc hội vào tuần tới và tháo gỡ, hỗ trợ để phát triển kinh tế báo chí.
Các bác sĩ, chuyên gia y khoa là cộng tác viên đã tham gia tư vấn sức khỏe cho bạn đọc Tuổi Trẻ đã chia sẻ như vậy, khi Tuổi Trẻ Sao chính thức vận hành.
Xem thêm: mth.29901844142203202-os-ehgn-gnoc-ioht-teiv-ihc-oab-ohc-oan-uht-nougn/nv.ertiout