Theo báo cáo tại hội nghị, ngành y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế.
Hoàn thành 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2022 ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao
Trong đó vượt 2/3 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (11,5 bác sĩ) và số giường bệnh/vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (92,03%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu).
Đặc biệt, trong năm 2022 công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện. Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ Y tế cũng tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị, về bảo hiểm y tế, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng…
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn do hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện. Đặc biệt, tình trạng nghỉ việc, chuyển công tác của nhân viên y tế công lập, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn còn; nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế, chưa đủ nguồn lực phục vụ người dân.
Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành y
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần "Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" của đội ngũ y bác sĩ và những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm 2022, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả. Theo đó, đội ngũ cán bộ còn nhiều người mắc khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng một số bệnh viện còn chậm.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, đồng thời nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, phát triển ngành dược, áp dụng công nghệ số vào khám, chữa bệnh,...
"Đặc biệt, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các nghị định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…
Đồng thời, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý sợ sai, làm ít sai ít, không làm không sai đang xảy ra ở một số cơ sở y tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ngành y tế tiếp tục phát huy truyền thống, những tấm gương thầy thuốc, đưa ngành y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc và nâng cao sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân.
Bộ Y tế vừa có báo cáo nêu rõ vướng mắc, khó khăn và đề xuất kiến nghị đến Chính phủ để giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng vật tư, thiết bị y tế.