Sáng 24.2, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Bộ TT-TT và UBND tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023. Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) là đơn vị đồng hành.
Đến dự và chủ trì diễn đàn có ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài ra còn có khoảng 130 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị của Bộ TT-TT, lãnh đạo các cơ quan báo chí…
Đối mặt nhiều thách thức
Theo Cục Báo chí (Bộ TT-TT), báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam nhưng nghịch lý là doanh thu báo chí có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Qua khảo sát, nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in, điện tử (81 báo, 78 tạp chí) và đài phát thanh, truyền hình trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm.
Hiện báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.
Theo Cục Báo chí, nếu chỉ trông chờ và phụ thuộc nhiều vào quảng cáo thì các cơ quan báo chí sẽ luôn phải đối diện với nguy cơ sụt giảm doanh thu, trong bối cảnh các doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google ngày càng nhiều hơn.
Thêm nữa, việc các trang tin, trang mạng xã hội lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến "miếng bánh" kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
"Trước xu hướng sụt giảm doanh thu của các cơ quan báo chí, chúng ta còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Điều này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời", ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT nói.
Ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt
Thảo luận tại diễn đàn, các đại biểu đưa ra một số giải pháp cho kinh tế báo chí như: chuyển đổi số báo chí nhằm thay đổi toàn diện hoạt động tòa soạn, tạo ra một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả; chuyển đổi số gắn với phát triển kinh tế số, đa dạng hóa nguồn thu, tăng sức cạnh tranh của cơ quan báo chí với các nền tảng xuyên biên giới; "Cơ chế đặt hàng" báo chí trong việc truyền thông chính sách để thúc đẩy kinh tế báo chí…
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, Phó trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn trên nền tảng số đều có nội dung chất lượng, có tính sáng tạo cao và lượng độc giả lớn. Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng.
Ông Cao Anh Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, cho rằng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng đa truyền thông hiện đại, các cơ quan báo chí cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả sản xuất chương trình, để vừa thực hiện tốt vai trò tuyên truyền chính trị vừa đảm bảo tận dụng được các nền tảng truyền thông mới để thu hút nguồn doanh thu quảng cáo. Điều này cần được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, giúp các đơn vị báo chí tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, tăng cường sức cạnh tranh với các doanh nghiệp truyền thông trong và ngoài nước.
Đào tạo đội ngũ làm công tác tài chính của các báo
Ông Mai Vũ Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, cho rằng đa dạng hóa nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển bền vững của các cơ quan báo chí hiện nay.
Ông Tuấn kiến nghị Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Tài chính ban hành các đơn giá định mức hoạt động của đơn vị sự nghiệp báo chí, như: phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí…
Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, đơn vị này sẽ có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo Đảng trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ báo chí phát triển, việc này không chỉ trách nhiệm của riêng Bộ TT-TT, Hội Nhà báo hay các cơ quan báo chí.
"Thực tế, thời gian qua, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, đã có những chỉ đạo định hướng từ lâu ở các văn kiện có thể nói là cao nhất của Đảng. Tới đây, cần có những đợt tập huấn riêng, "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ làm công tác tài chính của các báo. Nếu tổ chức mà báo nào không cử cán bộ đi tập huấn thì nghiêm khắc phê bình", ông Trần Thanh Lâm nói.
Theo ông Lâm, hiện nay, hầu hết lãnh đạo các báo đều trưởng thành từ người làm nội dung. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, các báo, tổng biên tập nên suy nghĩ phải có phó tổng biên tập, phó tổng giám đốc… phụ trách về vấn đề kinh tế, tài chính, công nghệ, không cần làm nội dung.