Trước giờ đóng cửa tại Ngân hàng Teigin ở ngoại ô Tokyo, ngày 26/1/1948, một người đàn ông trung niên không có gì đặc biệt bước qua cửa chính. Người này chìa danh thiếp, tự xưng là bác sĩ Jiro Yamaguch, rời đi chưa đầy nửa giờ. Nhưng những gì xảy ra giữa lúc người này đến và đi đã gây chấn động toàn bộ Nhật Bản suốt 8 thập kỷ sau.
"Bác sĩ Jiro" khi đến đeo một chiếc băng tay có nhãn "Văn phòng Thủ đô, Tòa thị chính Tokyo", mang chiếc túi y tế trên vai. Ông ta giải thích bệnh kiết lị đã bùng phát và mình được cử đi tiêm phòng cho nhân viên ngân hàng.
Tokyo đã bị ném bom rất nặng nề trong giai đoạn sau của Thế chiến thứ hai có nghĩa là bệnh kiết lị và các bệnh khác vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Người Nhật Bản rất tôn trọng người có thẩm quyền, cả hai nhân viên ngân hàng đều tin lời "bác sĩ Jiro". Không ai trong số họ nghi ngờ, dù chỉ một chút, rằng người đàn ông kia là mạo danh.
"Bác sĩ Jiro" giải thích vaccine sẽ ở dạng hai liều chất lỏng riêng biệt. Anh ta tiêm liều cho 15 nhân viên và con của một trong những nhân viên đó và chờ phát huy tác dụng. Trong vòng vài phút, tất cả 16 người đổ gục xuống sàn của ngân hàng, chỉ 4 người sống sót.
10 người, bao gồm cả đứa trẻ, chết tại hiện trường và hai người khác chết sau đó trong bệnh viện. "Bác sĩ Jiro" sau đó lấy đi 160.000 yên (khoảng 7.000 USD ngày nay), bỏ lại kho tiền sau lưng không đụng một đồng.
Hắn rời đi lặng lẽ và kín đáo như khi đến. Chất lỏng đã giết chết 12 người, tất nhiên không phải vaccine mà là xyanua.
Kẻ đầu độc này còn gây ra hai vụ án khác, nhỏ hơn nhiều, sử dụng tên "bác sĩ Jiro" và Shigeru. "Bác sĩ Jiro" nhanh chóng được chứng minh là danh tính hoàn toàn giả mạo song Shigeru có tồn tại. Cảnh sát nhanh chóng lần ra bác sĩ này để thẩm vấn song anh ta có bằng chứng ngoại phạm.
Người Nhật có thói quen tráo đổi danh thiếp cho nhau để làm quen. Bác sĩ Shigeru khai trao đổi 593 danh thiếp. Trong số này, anh ta in 100 chiếc giống với mẫu mã được thủ phạm sử dụng trong các vụ đầu độc, nhưng vẫn còn giữ 8 nên thủ phạm nằm trong số 92 người đã trao đổi danh thiếp với Shigeru.
Rất may mắn, bác sĩ Shigeru tính cẩn thận đã ghi lại thời gian và địa điểm trao đổi danh thiếp ở mặt sau của những tấm danh thiếp khi nhận. Điều này tạo rất nhiều thuận lợi cho cảnh sát. Kết quả, 84 người được xác định hoàn toàn không liên quan, có bằng chứng ngoại phạm rõ ràng.
Chỉ còn 8 danh thiếp được đem lên "bàn cân". Cuối cùng, người bị bắt là họa sĩ tranh màu nước nổi tiếng, Sadamichi Hirasawa, 56 tuổi. Cảnh sát cho hay ông ta bị bắt vì không xuất trình được tấm danh thiếp trao đổi với bác sĩ Shigeru. Họa sĩ nói bị móc túi nên đã mất ví, trong đó danh thiếp. Nhà chức trách nhận định chẳng có sự kiện nào trùng hợp khéo vậy.
Hirasawa khai khi xảy ra vụ án đang đi dạo công viên, nhưng do hoạt động này không quá nổi bật, không ai có thể làm chứng. Ngoài ra, hai trong 4 người còn sống xác nhận ông ta rất giống kẻ mạo danh bác sĩ.
Nhà của Hirasawa nhanh chóng bị lục soát. Một lượng lớn tiền mặt lớn bị phát hiện song ông từ chối khai báo. Có ý kiến cho rằng số tiền này không phải từ số tiền thu được từ các vụ giết người tại ngân hàng mà từ thị trường cực kỳ bí mật và không kém phần bất hợp pháp vào thời điểm đó: Vẽ tranh khiêu dâm. Ngày 21/8 cùng năm, ông bị bắt.
Ông bị thẩm vấn ba tuần liền, nhận tội song tại phiên tòa cùng năm, ông nói bị ép cung, đánh đập. Các luật sư của Hirasawa đưa ra lời biện hộ cho việc bị mất trí một phần dựa trên thực tế là Hirasawa mắc chứng Rối loạn tâm thần Korsakoff, liên quan chứng nghiện rượu mãn tính. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ của người bệnh, đồng thời khiến thường xuyên có những hành vi bất nhất.
Họa sĩ Hirasawa bị kết tội giết người, hình phạt treo cổ.
Các nhóm luật sư của Hirasawa liên tiếp nộp 18 đơn kháng cáo trong 30 năm tiếp theo và đưa ra nhiều luận điểm chứng minh thân chủ vô tội. Trên thực tế, bản án của họa sĩ này bị nghi ngờ đến mức trong suốt 33 năm ông ngồi tù, các thế hệ Bộ trưởng Tư pháp liên tiếp từ chối ký lệnh thi hành án bản án tử hình.
Vài trăm tù nhân bị kết án khác đã bị treo cổ, nhưng vì một số lý do, Hirasawa luôn bị bỏ qua. Ngay cả Bộ trưởng Tư pháp Isaji Tanaka theo đường lối cứng rắn, người nổi tiếng vào ngày 13/11/1967 khi ký 23 lệnh tử hình trong một ngày, đã công khai từ chối ký lệnh thi hành án với Hirasawa do tuyên bố "nghi ngờ Hirasawa có tội".
Có rất nhiều giả thuyết về tội lỗi của Hirasawa. Đầu tiên, tại sao lại phải giết tới 16 người chỉ để thực hiện vụ cướp vặt vãnh. Hơn nữa, những tên trộm vặt thường không giết người hàng loạt khi đánh cắp một số tiền nhỏ và để lại kho tiền lớn mà không thèm đụng đến.
Thứ hai, các nhà điều tra hiện đại của Nhật Bản khẳng định, bất kỳ lời thú tội nào thu được khi bị tra tấn đều nổi tiếng là không đáng tin cậy. Nếu cảnh sát làm tổn thương nghi phạm thường xuyên và đủ tệ trong khi yêu cầu một lời thú tội thì hầu hết mọi nghi can sẽ thú nhận bất cứ điều gì cảnh sát muốn, nếu nghĩ rằng việc này sẽ giúp chấm dứt sự tra tấn.
Chất độc chính xác là gì, cũng là câu hỏi. Tại phiên tòa xét xử Hirasawa, bên công tố cáo buộc bị cáo đã sử dụng kali xyanua song các triệu chứng của các nạn nhân giống với tác dụng của hydro xyanua hơn nhiều. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng thủ phạm là kẻ thuộc Đơn vị 731.
Đây là lực lượng chuyên nghiên cứu và phát triển chiến tranh sinh hóa học của Đế quốc Nhật Bản và sản xuất vũ khí sinh học trong Thế chiến 2, gây ra cái chết cho khoảng 500.000 người. Một số thành viên của đơn vị này bị tòa án quốc tế xét xử vì tội phạm chiến tranh, năm 1949.
Đơn vị 731 từ lâu đã phát triển một loại độc tố mới có khả năng gây chết người cao có tên acetone cyanohydrin. Tác dụng của nó rất giống ngộ độc hydro xyanua.Nhưng acetone cyanohydrin là chất độc quân sự được cố ý thiết kế để có tác dụng chậm song thường dân như Hirasawa không thể lấy được
Hơn nữa, việc sử dụng chất độc theo hai liều lượng riêng biệt là một dấu hiệu nổi tiếng của Đơn vị 731 khi đó. Sadamichi Hirasawa là họa sĩ, không phải nhà hóa học hay chuyên gia chiến tranh hóa học.
Dù lời bào chữa về căn bệnh Rối loạn tâm thần Korsakoff của các luật sư có vẻ vô nghĩa nhưng càng về sau càng có cơ sở. Các lần chụp kiểm tra mô não của Hirasawa xác nhận mức độ suy giảm không phải do tuổi già mà là một trường hợp nghiêm trọng của bệnh viêm não tủy, dẫn đến mất trí một phần.
Hirasawa là tù nhân bị kết án tử hình lâu nhất trên thế giới. Trong 3 thập kỷ đợi chờ, ông đã dành phần lớn thời gian để vẽ tranh và viết cuốn tự truyện có tựa đề Di chúc của tôi: Vụ án ngân hàng Teikoku.
Những năm 1980, sức khỏe của Sadamichi Hirasawa bắt đầu xấu đi, ngày càng yếu. Cuối cùng ông chết vì bệnh viêm phổi vào 10/5/1987, khi 95 tuổi, vẫn là kẻ giết người hàng loạt mang án tử hình.
Sau cái chết của họa sĩ này, con nuôi của ông và những người ủng hộ vẫn kiên quyết đấu tranh minh oan, đề nghị mở phiên tái thẩm.
Con trai nuôi của ông chết bí ẩn một mình tại nhà riêng, năm 2013 và chỉ được phát hiện sau đó gần một tháng. Ngày 4/12/2013, Tòa án tối cao Tokyo tuyên bố sẽ hủy bỏ yêu cầu xét xử lại, chính thức khép lại hoàn toàn vụ án.
Qua 75 năm, vụ đầu độc ở ngân hàng Teigin vẫn được người Nhật Bản nhắc đến như một trong số vụ án bí ẩn hàng đầu lịch sử.
Hải Thư (Theo JP, Crime Magazine, Wrongful Conviction)
Xem thêm: lmth.2263754-mahp-uht-tahp-gnurt-noum-gnohk-gnourt-ob-ueihn-neihk-na-ib-na-maht/ten.sserpxenv