Ông Takebe Tsutomu, cố vấn Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt, trưởng ban tổ chức Lễ hội Việt - Nhật, bày tỏ như vậy tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản chiều 24-2, tại UBND TP.HCM.
Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ ba vào TP.HCM
Ông Takebe Tsutomu cho biết từ khi khởi xướng Lễ hội Việt - Nhật cách đây bảy năm, qua mỗi kỳ sự kiện đều được mở rộng và có nhiều nội dung, hoạt động sôi nổi hơn, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Buổi gặp mặt giữa lãnh đạo UBND TP.HCM cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên cũng là sự kiện rất đặc biệt, khẳng định mối quan hệ toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân... ngày càng tốt đẹp, trên sự tôn trọng, cùng giúp đỡ nhau.
"Từ nhiều năm nay, khi nghĩ về tương lai của Việt Nam, Nhật Bản chúng tôi luôn suy nghĩ TP.HCM sẽ phát triển như thế nào và trong quá trình đó Nhật Bản sẽ có thể đồng hành, làm được điều gì", ông Takebe Tsutomu khẳng định.
Ông cũng bày tỏ vui mừng khi TP.HCM cũng có ý tưởng tổ chức một lễ hội văn hóa Việt - Nhật tương tự tại Nhật Bản, khi đó cả hai bên cũng sẽ tổ chức một lễ hội thật trang trọng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh quan hệ giữa TP.HCM và Nhật Bản tiếp tục ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực từ đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch.
Thương mại giữa hai quốc gia vẫn duy trì kết quả tốt ngay cả trong thời điểm dịch COVID-19. Năm 2022, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ ba đầu tư vào TP, với 92 dự án, tổng vốn đầu tư 124 triệu USD, chiếm 21% tổng số vốn FDI của thành phố.
Theo ông Hoan, hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp hai quốc gia là nội dung mới, làm phong phú hơn các hoạt động của Lễ hội Việt - Nhật được tổ chức suốt bảy năm qua.
Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 quan hệ thương mại giữa hai nước.
Doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư, doanh nghiệp Việt mong tăng cường hợp tác
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ tiếp tục mở rộng đầu tư vào TP.HCM và mong muốn thành phố hỗ trợ các thủ tục, cập nhật chính sách mới để việc mở rộng dễ dàng, thuận lợi hơn.
Ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Acecook Việt Nam - cho biết hiện đã có hai nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng nhà máy thứ 3 trong thời gian tới.
Ông đề xuất lãnh đạo TP hỗ trợ để các thủ tục xây dựng nhà máy mới nhanh chóng được thông qua, thuận lợi.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Obayashi Việt Nam cho biết đã tham gia xây dựng nhiều dự án hạ tầng quan trọng của thành phố như hầm Thủ Thiêm, sân bay Tân Sơn Nhất… và hiện tập đoàn quan tâm đến mảng năng lượng xanh, trong đó có năng lượng mặt trời.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành - cho biết công ty có 8 công ty con hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như phân phối mỹ phẩm, du lịch, bất động sản...
Doanh nghiệp muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, mở rộng mạng lưới phân phối mỹ phẩm Nhật cũng như liên doanh đầu tư một viện dưỡng lão tại Việt Nam.
Với lĩnh vực du lịch, ông đề xuất phía Nhật Bản tạo điều kiện cấp visa cho người dân Việt Nam đi Nhật Bản du lịch thuận tiện và dễ dàng hơn.
Thời gian qua, dù nhu cầu đi du lịch đến Nhật Bản rất lớn nhưng nhiều đoàn tour không thể thực hiện được vì trục trặc visa.
Ông Watanabe Nobuhiro - tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp Việt Nam và cho biết phía tổng lãnh sự quán cũng đã bổ sung thêm nhân sự bộ phận thị thực, kịp thời giải quyết nhu cầu của người Việt.
Thời gian tới, công tác xử lý hồ sơ thị thực sẽ có nhiều cải thiện.
15 công ty công nghệ thông tin (CNTT) vừa và nhỏ của Việt Nam đã thành lập một liên minh để thúc đẩy đơn đặt hàng từ khách hàng Nhật Bản.
Xem thêm: mth.33115530242203202-mch-pt-auc-man-teiv-auc-neirt-tahp-us-ned-ihgn-noul-tahn-iougn/nv.ertiout