Phiên tòa xét xử vụ án này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 1/3 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Thổi giá trúng thầu từ 6,5 lên hơn 9,9 tỷ đồng
Theo cáo trạng mà PV Dân trí có được, từ năm 2019 đến năm 2020, biết Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Điện Biên là chủ đầu tư 2 gói thầu gồm: Gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu năm 2019-2020, và gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường THPT năm 2020, Đinh Văn Hữu (61 tuổi) - Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên (Công ty Sách Điện Biên) đến gặp Nguyễn Văn Kiên (60 tuổi) - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên đặt vấn đề mong được tạo điều kiện cho Công ty Sách Điện Biên trúng 2 gói thầu này và được ông Kiên đồng ý.
Sau đó, Hữu đến gặp Trịnh Mạnh Cường (52 tuổi), Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT Điện Biên để thông báo đã được Kiên giúp đỡ thực hiện 2 gói thầu và xin Cường "hướng dẫn".
Sau khi qua được "cửa ải" đầu tiên, Hữu đã chỉ đạo Nguyễn Quang Tuyến (51 tuổi) là Phó giám đốc Công ty, tính toán báo giá cho Sở GD&ĐT Điện Biên để làm sao công ty của Hữu có lợi nhuận từ 20 - 25%. Vì vậy, Tuyến đã báo giá các thiết bị trong danh mục với tổng trị giá là hơn 10 tỷ đồng, rồi chuyển hồ sơ cho Cường.
Sau khi nhận hồ sơ báo giá, Cường không chỉnh sửa nội dung mà chỉ biên tập về thể thức văn bản, chấp thuận về giá do Tuyến đưa ra. Để đẩy nhanh gói thầu, Cường còn đề nghị Tuyến thực hiện thẩm định giá các thiết bị dạy học "thay" cho Sở GD&ĐT Điện Biên.
Sau khi được tạo điều kiện, Tuyến đã kết nối với Công ty cổ phần thẩm định giá BTC Value (Công ty BTC Value) có trụ sở tại quận Cầu Giấy - TP Hà Nội, đồng thời soạn "giúp" luôn cả công văn của Sở GD&ĐT Điện Biên gửi Công ty BTC Value, đề nghị thẩm định giá thiết bị thực hiện mua sắm với tổng giá trị là hơn 10 tỷ đồng.
Sau đó, lãnh đạo Công ty BTC Value đã giao cho Hồ Thị Sáu - Giám đốc Khối thẩm định III và Nguyễn Quốc Việt, Thẩm định viên Công ty thực hiện các thủ tục theo quy định.
Hồ Thị Sáu và Nguyễn Quốc Việt cùng một số nhân viên khác của Công ty BTC Value đã không khảo sát thực tế trên thị trường, mà chỉ thu thập thông tin trên mạng để dự thảo báo cáo kết quả thẩm định và chứng thư thẩm định giá.
Ngoài ra để hợp thức hóa hồ sơ, Hồ Thị Sáu đã ký hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng... chuyển cho các "đối tác" ở Điện Biên để Nguyễn Văn Kiên ký hoàn thiện và ban hành quyết định của Sở GD&ĐT Điện Biên phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu số 1, tổng dự toán là hơn 10 tỷ đồng.
Để thực hiện công tác tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, Trịnh Mạnh Cường đã báo cáo, đề xuất và Nguyễn Văn Kiên đã ký quyết định chỉ định Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C (Công ty T&C) có trụ sở tại TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) là đơn vị tư vấn thầu.
Đáng chú ý, Võ Thúc Chính - Giám đốc Công ty T&C không có chứng chỉ hoạt động đấu thầu theo quy định. Để đủ điều kiện tham gia vào phi vụ làm ăn này, Chính đã tìm kiếm, lấy tên những người có chứng chỉ trên mạng kê khai là thành viên Công ty, sau đó Chính đăng thông báo mời thầu trên Báo Đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Sở GD&ĐT Điện Biên.
Ngày 28/5/2019, Sở GD&ĐT Điện Biên thông báo và thực hiện bán hồ sơ mời thầu. Việc bán hồ sơ mời thầu do Vũ Thị Nhâm - Nhân viên Phòng Kế hoạch thực hiện, và thu 2 triệu đồng/ bộ.
Theo cáo trạng, 4 Công ty sau đó đã tham gia hồ sơ gồm: Công ty sách Điện Biên, Công ty sách Sơn La, Công ty sách Thanh Hóa và Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Hà Tây.
Tuy nhiên, thực tế là cả 4 công ty trên đều không đến Sở GD&ĐT mua hồ sơ như đăng ký, mà tất cả do một nhân viên Công ty sách Điện Biên do Đinh Văn Hữu chỉ đạo mua và trả tiền.
Đinh Văn Hữu cũng đồng thời điện thoại nhờ hồ sơ pháp lý của 2 công ty "quen biết". Và cuối cùng, đúng như toan tính, Công ty sách Điện Biên đã trúng thầu với giá hơn 9,9 tỷ đồng đồng, trong khi giá trị thực của gói thầu là hơn 6,5 tỷ đồng.
Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT nhận 600 triệu đồng tiền "cảm ơn"
Đầu năm 2020, Đinh Văn Hữu tiếp tục đến gặp Nguyễn Văn Kiên đặt vấn đề để Công ty Sách Điện Biên được trúng thầu gói số 2 (Mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường THPT năm 2020). Kiên đồng ý và chỉ đạo Trịnh Mạnh Cường phối hợp.
Với "kịch bản" như trước, các thủ tục chọn nhà thầu, làm hồ sơ... đã được nhanh chóng hoàn thiện để Nguyễn Văn Kiên ký quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự toán mua sắm gói thầu số 2.
Điểm khác lần này là thay đơn vị tư vấn thực hiện lập hồ sơ mời thầu, và đánh giá hồ sơ đấu thầu từ Công ty T&C sang Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô (Công ty Tây Đô), có trụ sở tại phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, do Mai Thanh An làm giám đốc.
Không có chứng chỉ hoạt động đấu thầu và để hợp thức hóa, An đã lên mạng "mượn" tên và chứng chỉ của những người khác kê khai là thành viên công ty. Sau đó, An đã lo thủ tục giấy tờ để Nguyễn Văn Kiên ký thông báo mời thầu.
Lần này, Công ty Sách Điện Biên do Đinh Văn Hữu làm giám đốc thắng thầu, với tổng giá trị hơn 9,9 tỷ đồng, trong khi giá trị thật là hơn 5,6 tỷ đồng...
Để cảm ơn Nguyễn Văn Kiên, gần Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và Tết Tân Sửu 2021, Đinh Văn Hữu đến phòng làm việc của Nguyễn Văn Kiên biếu Kiên mỗi lần 300 triệu đồng; tổng cộng 600 triệu đồng.
Theo cáo trạng, hành vi của Đinh Văn Hữu, Nguyễn Văn Kiên, Trịnh Mạnh Cường, Nguyễn Quang Tuyến, Hồ Thị Sáu, Nguyễn Quốc Việt đã gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 7,5 tỷ đồng.
Hành vi của bị can Võ Thúc Chính gây thiệt hại của Nhà nước hơn 3,2 tỷ đồng, Mai Thanh An gây thiệt hại hơn 4,2 tỷ đồng.
Kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Điện Biên cho thấy, tổng trị giá của 2 gói thầu chỉ hơn 12,3 tỷ đồng, nhưng đã bị các đối tượng câu kết, thổi lên gần 20 tỷ đồng.