EU đồng tình trừng phạt thêm với Nga
Gói trừng phạt mới gồm "các biện pháp hạn chế đối với các cá nhân và tổ chức hỗ trợ chiến sự, truyền bá tuyên truyền hoặc cung cấp máy bay không người lái được Nga sử dụng trong chiến sự", theo Hãng tin AFP.
Các biện pháp này dự kiến được thông qua trong ngày 25-2. Một nhà ngoại giao EU tiết lộ 120 cá nhân và tổ chức, cùng 3 ngân hàng Nga bị đưa vào danh sách đen.
"Các nước thành viên EU đã đồng tình áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và sâu rộng nhất từ trước đến nay để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến.
EU đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến cùng", quốc gia Chủ tịch EU Thụy Điển viết trên Twitter.
Trong khi đó, nhóm G7 cũng đưa các biện pháp cấm vận kinh tế và cảnh báo các nước tiếp tay cho Nga sẽ trả giá đắt nếu vi phạm các biện pháp này.
Cùng lúc, Mỹ đã tuyên bố lệnh trừng phạt đối với 200 cá nhân và tổ chức của Nga, gồm các ngân hàng, ngành công nghệ quốc phòng, khai thác mỏ, các quan chức chính phủ và tư nhân Nga. Anh, Canada cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt tương tự.
* Tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngày 24-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói nước này sẽ gửi thêm 4 xe tăng Leopard cho Kiev, nâng gấp đôi số xe cam kết hỗ trợ, và các xe quân sự, đạn dược.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, người đang ở thăm Kiev, cho biết Ba Lan đã gửi xe tăng do Đức sản xuất để giúp Ukraine đẩy lùi quân đội Nga và gửi một "tín hiệu rõ ràng và có thể đo lường được về sự hỗ trợ hơn nữa".
Ông Morawiecki cho biết Ba Lan sẽ sớm gửi thêm xe tăng, đồng thời đề nghị đào tạo các phi công Ukraine lái máy bay phản lực F16, khi các đồng minh phương Tây nhấn mạnh sự hỗ trợ vững chắc của họ.
Lãnh đạo Ukraine nêu kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc
Phát biểu nhân 1 năm chiến sự ngày 24-2, ông Volodymyr Zelensky nói đang lên kế hoạch gặp ông Tập vì "an toàn cho thế giới". Ông không nói rõ mốc thời gian.
Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố hy vọng Bắc Kinh sẽ ủng hộ hòa bình và Ukraine. Tuy nhiên, ông Zelensky cũng nói đang làm mọi cách ngăn nguy cơ "Thế chiến 3".
"Tôi thật sự muốn tin rằng Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Nga. Điều đó rất quan trọng đối với tôi", Hãng tin AFP dẫn lời ông Zelensky nói.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố đề xuất giải pháp chính trị 12 điểm đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và nối lại đàm phán hòa bình.
Bắc Kinh đến nay vẫn khẳng định trung lập đối với xung đột Ukraine trong khi duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Nga.
* Các nước thận trọng về đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chiến tranh "có thể kết thúc vào ngày mai nếu Nga ngừng tấn công Ukraine và rút quân".
Còn quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho rằng đề xuất của Trung Quốc có những điểm đáng quan tâm về sử dụng vũ khí hạt nhân, trao đổi tù binh hay xuất khẩu ngũ cốc, nhưng chưa phải một kế hoạch toàn diện.
Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hoan nghênh "mọi đề xuất mang tính xây dựng" về vấn đề Ukraine.
Tuy nhiên "liệu cường quốc toàn cầu Trung Quốc có muốn đóng một vai trò mang tính xây dựng như vậy hay không vẫn còn là điều đáng nghi ngờ", theo nhà lãnh đạo Đức.
Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng đề xuất của Trung Quốc là "đóng góp quan trọng", trong đó bao gồm kêu gọi tránh sử dụng vũ khí hạt nhân.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá cao việc Bắc Kinh muốn tham gia việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine thông qua các biện pháp hòa bình, nhưng nói thêm rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải công nhận "thực tế lãnh thổ mới" ở Ukraine
* Ngoại trưởng Mỹ sắp gặp "bộ tứ" châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có cuộc gặp vào tuần tới với những người đồng cấp Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc.
Ông Donald Lu - quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về Nam Á, cho biết cuộc gặp diễn ra vào ngày 3-3 tại New Delhi (Ấn Độ).
"Bộ tứ" là một khái niệm do cố thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xây dựng khi ông tìm kiếm sự hợp tác giữa 4 nước có chung vấn đề với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lu nói rằng nhóm này sẽ nhấn mạnh các sáng kiến gần đây về cứu trợ thiên tai, viện trợ vắc xin ngừa COVID-19, thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
"Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự. Trên thực tế, bộ tứ không phải là một tổ chức chống lại bất kỳ quốc gia hay nhóm quốc gia nào", nhà ngoại giao Mỹ giải thích.
* Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu giai đoạn tái thiết. Quan chức nước này cho biết đã khởi động kế hoạch xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà với kinh phí ít nhất 15 tỉ USD, theo Hãng tin Reuters.
Khoảng 164.000 tòa nhà, với hơn 530.000 căn hộ đã bị sập hoặc hư hại nghiêm trọng do thảm họa động đất ngày 6-2, đến nay đã làm chết hơn 44.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thảm họa kiến 1,5 triệu người không có nhà ở và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cam kết trong vòng 1 năm, chính phủ nước này sẽ xây dựng lại nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng.
Đồ chơi cuối cùng của bọn trẻ
Ngày 24-2-2023 đánh dấu tròn một năm chiến sự Nga - Ukraine, nhiều nước đã tổ chức các sự kiện ghi nhớ cuộc chiến đang làm hao tốn nhân lực và vật lực này.