Để rộng đường dư luận và góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo giới thiệu một số ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Nghệ sĩ sử dụng danh tiếng và sự mến mộ của khán giả để quảng cáo sai sự thật là sự lừa dối cần phải nghiêm trị. Không thể chấp nhận vì đồng tiền mà lừa dối khán giả, đồng bào mình.
- Một người của công chúng đi quảng cáo thực phẩm chức năng chưa kiểm chứng, bà con mình nghe theo tiền mất tật mang. Một số lại quảng cáo thuốc kích dục, tui thấy xấu, thấy nhục giùm họ. Con người vì tiền bất chấp danh dự của mình. Gầy dựng thì khó, đạp đổ rất dễ đó các nghệ sĩ, người của công chúng ơi!
Ý kiến bạn đọc Võ Thi Ngọc Nhanh
- Nghệ sĩ không vô can. Bất kỳ ai từng quảng cáo như vậy đã tự bôi nhọ chính mình. Phạt thật nặng những người bán thuốc giả và những người quảng cáo thuốc giả, nhất là nghệ sĩ.
Nếu nghệ sĩ quảng cáo thuốc giả, cơ quan chức năng cần quy định cấm biểu diễn sân khấu và chương trình giải trí truyền hình 1 năm.
Ý kiến bạn đọc Tuấn
- Tôi nghĩ Nhà nước nên cấm luôn các trang mạng quảng cáo dỏm thuốc kiểu này. Trước đây thì không có nhưng giờ cứ như họ "thả cửa" cho loại này. Rất coi thường người Việt và họ đang muốn tận thu từ quảng cáo. Cần xử phạt mạnh các trang mạng với mỗi trường hợp vi phạm.
Ý kiến bạn đọc Minh Phát
- Ngoài những giờ làm việc vất vả ra, giờ nghỉ mở tivi lên xem tin tức thời sự, giải trí nhưng thật sự chẳng khác gì như bị tra tấn bởi đủ các thể loại quảng cáo, quảng cáo chiếm quá nhiều thời lượng của một chương trình.
Chỉ có sản phẩm không tốt mới cần quảng cáo để lừa đảo người tiêu dùng, còn sản phẩm tốt thì không cần quảng cáo người tiêu dùng vẫn tìm đến để mua, cần phải xử lý hình sự những quảng cáo không đúng với sự thật của sản phẩm.
Ý kiến bạn đọc Mai Nghị
- Ủng hộ hết mình, phải xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật và kẻ buôn bán hàng không đúng như quảng cáo. Nên sử dụng biện pháp mạnh đối với việc nghệ sĩ quảng cáo cho thuốc và thực phẩm chức năng.
Ý kiến bạn đọc Nguyễn Thanh Thảo
- Có nghệ sĩ còn mạnh miệng đem uy tín mình ra bảo đảm là thuốc hiệu quả như quảng cáo, nhưng ở đời cứ ai hở miệng ra là đem danh dự mình ra cam kết thì cần phải cảnh giác (coi chừng bị lừa) vì người tự trọng không bao giờ "bô bô" lên tôi uy tín thế này thế khác.
Ý kiến bạn đọc Dũng Nguyễn
Đề nghị cơ quan chức năng có điều tra thì tìm hiểu xem những thầy lang dỏm này đã bán thuốc cho những ai? Nếu được thì lấy ý kiến của người mua về tình trạng sức khỏe của họ hoặc người thân sau khi dùng mấy thứ thuốc dỏm này ra sao.
Nếu sau khi dùng thuốc gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dùng thì đề nghị khởi tố hình sự người bán lẫn các nghệ sĩ đã tiếp tay quảng cáo.
Ý kiến bạn đọc Lý Nguyên Khánh
- Ngoài quảng cáo của nghệ sĩ, thấy trên mạng còn có danh xưng người có chuyên môn ngành y tư vấn, bán sản phẩm.
Thiển nghĩ thầy hay, thuốc tốt không cần quảng cáo. Quảng cáo sản phẩm chức năng trên tivi thấy hay có tác dụng ngăn, trị dứt bệnh. Nhưng cuối cùng chốt lại một câu: sản phẩm là thực phẩm chức năng không thay thế thuốc chữa bệnh. Các thực phẩm chức năng này chỉ để dùng cho người không bệnh.
Ý kiến bạn đọc Năm
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Theo bạn, biện pháp nào để dẹp bỏ những hành vi quảng cáo dỏm, quảng cáo vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Thăm dò ý kiến
Để trị dứt điểm vấn nạn quảng cáo thần dược, thực phẩm chức năng dỏm có chiều hướng gia tăng như hiện nay, theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Xem thêm: mth.94250918052203202-mod-oac-gnauq-yat-peit-is-ehgn-gnos-mac-noum-cod-nab-66/nv.ertiout