Ngày 8-2-2023, tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có nhận định về tình hình dịch bệnh cúm H5N1 trên thế giới. Tuy đánh giá mức độ rủi ro của dịch bệnh này đối với con người là thấp, WHO khuyến cáo không chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đáng lo ngại hơn khi Viện Pasteur TP.HCM vừa thông tin từ WHO, tại tỉnh Prey Veng của Campuchia bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao, trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.
Không chủ quan trước vi rút cúm H5N1
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 25-2, PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - cho biết vi rút gây bệnh cúm gà H5N1 cho bé gái 11 tuổi ở Campuchia thuộc biến chủng 2.3.4.4b. Đây là biến chủng lưu hành ở nhiều loài chim và gia cầm trên thế giới trong thời gian gần đây.
"Biến chủng này đã lưu hành từ trước và nếu độc lực rất cao thì đã gây tử vong cho con người ở nhiều nơi trên thế giới. Như vậy có lẽ chủng vi rút này không gây nhiều nguy cơ hơn đối với người.
Tuy nhiên ở một số cá nhân cụ thể vẫn có thể bị lây từ gia cầm sang người, vì vậy con người nên tránh tiếp xúc với gia cầm, đặc biệt là gia cầm bị bệnh hay bị chết, tuyệt đối không ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc", PGS Dũng nhận định và khuyến cáo.
PGS Dũng cho biết thêm, vi rút H5N1 có thể có nhiều ở các loài chim trời. Do đó gia cầm (gà vịt) ở Việt Nam có thể bị lây từ chim trời chứ không nhất thiết lây qua gà, vịt từ Campuchia sang. Tuy nhiên với tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh rất cao (từ 50 - 90%), người dân phải cẩn thận không tiếp xúc với các loài chim, gia cầm bệnh hoặc chết, các trang trại gia cầm cần có các biện pháp bảo vệ vật nuôi.
Sở Y tế TP.HCM sáng cùng ngày cũng dẫn thông tin từ WHO rằng tổ chức này có đánh giá mức độ rủi ro của cúm H5N1 đối với con người là thấp, kể từ khi H5N1 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, sự lây truyền H5N1 sang người vẫn không phổ biến và không bền vững.
Tuy nhiên, tổng giám đốc của WHO kêu gọi không được chủ quan và cần chuẩn bị các tình huống xấu có thể xảy ra khi có bất kỳ sự biến đổi nào của tác nhân gây bệnh.
Tại Việt Nam, WHO thông tin là một trong những quốc gia ghi nhận có người mắc và tử vong do cúm H5N1 trong 20 năm qua (2003-2023). Theo đó, số ca ghi nhận mắc và tử vong trải dài trong những năm 2003 - 2009 (112 ca mắc, 57 ca tử vong), 2010-2014 (15 ca mắc, 7 ca tử vong).
Trước mắt, WHO khuyến cáo mọi người không nên chạm vào động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, thay vào đó phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý. WHO khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác với nhau.
WHO đang làm việc với các cơ quan chức năng và các quốc gia để theo dõi chặt chẽ tình hình và nghiên cứu các trường hợp nhiễm H5N1 ở người.
Mạng lưới phòng xét nghiệm toàn cầu của WHO cùng với hệ thống giám sát và ứng phó cúm toàn cầu tiếp tục xác định và giám sát các chủng vi rút cúm đang lưu hành.
Đồng thời cung cấp khuyến cáo cho các quốc gia về nguy cơ của H5N1 đối với sức khỏe con người, các biện pháp kiểm soát dịch cúm H5N1 và hướng dẫn điều trị.
WHO tiếp tục đồng hành với các nhà sản xuất để đảm bảo rằng khi cần thì nguồn cung cấp vắc xin và thuốc kháng vi rút sẽ luôn có sẵn trên phạm vi toàn cầu.
Riêng tại TP.HCM, Viện Pasteur TP vừa có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam nhằm có biện pháp tăng cường giám sát viêm phổi nặng liên quan cúm H5N1.
Tỉnh Prey Veng (Campuchia) có đường biên giới với Việt Nam đã ghi nhận hai trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm độc lực cao A (H5N1), trong đó có một trường hợp tử vong.