Đều từng đối diện với nhiều sóng to gió lớn hiểm nguy nhưng chuyến biển này là lần đầu tiên họ thấy thần chết ở gần mình đến thế.
Đêm kinh hoàng trên biển
Sáng 23-2 vừa qua, hai ngư dân mới về tới nhà tại Phú Xuân. Hai ông trở về như một giấc mơ có thật nên người thân biết chuyện ở xa cũng về chúc mừng. Ngay cả hai người đàn ông dạn dày đi biển với gương mặt rắn rỏi này cũng không thể tưởng tượng được mình đã vượt qua lằn ranh sinh - tử.
Ông Sơn và ông Vui là anh em "cọc chèo" và đều qua tuổi 50. Cả hai gắn bó với nghề đi biển đánh cá hơn 30 năm ròng. Vài năm lại đây, việc đánh bắt bị đình trệ vì khó tìm bạn thuyền. Hai ông đành bán tàu và ai thuê gì làm nấy.
Giữa tháng 2 rồi, qua một số người quen, hai ông biết có người thuê chạy một chiếc thuyền du lịch từ Quảng Ninh về Nghệ An theo đường biển nên liên hệ xin nhận. 12 triệu đồng là mức tiền công được hai bên thống nhất.
Ngày 18-2, hai ông bắt xe khách ra Quảng Ninh thì được người thuê đưa đến một xưởng đà ven cửa sông nhận tàu. Biết đây là thuyền cũ được người tại Nghệ An mua về để làm nhà hàng nổi nên hai ông cẩn thận kiểm tra. Tuy nhiên, chiếc thuyền thời điểm ấy đã được sơn sửa lại bề mặt rất mới nên hành trình cũng được bắt đầu.
Rời xưởng đà khoảng 10h sáng ngày 18-2, chiếc thuyền được hai ông điều khiển men theo bờ biển cách bờ khoảng gần 15km hướng xuống phía nam.
"Hai anh em dự tính khoảng 30 tiếng thì đến nơi vì tàu yếu, chạy chỉ được 4 hải lý mỗi giờ. Ai cũng nghĩ hành trình sẽ nhẹ nhàng, nhưng không ngờ những phút kinh hoàng lại đến đúng khi trời bắt đầu tối", ông Sơn kể.
Tầm 7h tối, khi thuyền đi đến vùng biển thuộc tỉnh Thái Bình thì ông Sơn phát hiện tàu có dấu hiệu bị nghiêng. Ông Sơn kêu ông Vui chui xuống hầm máy kiểm tra thì phát hiện có một ít nước tràn vào. Ông liền đặt hai máy bơm hút nước ra. Nhưng điều lạ là hút mãi mà nước ở hầm tàu không cạn.
Giữa biển khơi tối mịt mùng, chiếc đèn pin hiu hắt không đủ sáng để hai người đàn ông có thể bao quát hết ngay được mọi vị trí trong hầm tàu. Phải mất một hồi, ông Sơn mới tìm ra được vị trí bị hở ở lớp dưới đáy sát be thuyền.
"Khoảng hở bị nước xé càng lúc càng rộng. Nước tràn vô ào ào. Tui kêu ông Vui chạy lên lấy chăn nhét vào để chặn dòng chảy nhưng không được", ông Sơn chưa hết bàng hoàng kể lại.
Bất lực nhìn chiếc tàu chìm dần, hai ông nhảy lên boong tàu gọi về báo cáo tình hình cho người thuê. Đến 22h thì tàu chìm hẳn. Những phút cuối cùng, hai người đàn ông chỉ kịp vớ mảnh phao và cùng bám vào để có gắng sống sót giữa biển đêm đen nghịt.
Trời đêm trên biển lạnh ngắt vì đợt không khí lạnh vẫn chưa qua. Cả hai ông chỉ có độc một bộ áo quần mỏng trên người và đều lạnh run. Họ cắn chặt răng, cố gắng bấu vào mảnh phao để nuôi hy vọng dù mong manh.
Sống nhờ... chiếc áo
Càng về gần sáng hai người đàn ông càng kiệt sức vì lạnh. Trong tình thế hiểm nguy nhất, hai ông cố động viên nhau và cùng gồng mình lên để chiến đấu với thần chết. Giữa biển khơi mênh mông, họ đều hiểu phận người chỉ nhỏ bé như chiếc lá mong manh.
Trời đêm đen nghịt, vô cùng khó để thuyền bè qua lại nhìn thấy. Theo dòng hải lưu, miếng phao cùng hai người trôi càng lúc càng xa và không ai có thể hình dung ra phương hướng giữa biển đêm.
Trôi được khoảng vài tiếng đồng hồ, ông Sơn chợt phát hiện có một số ánh đèn của tàu cá. Có những ánh đèn dường như chỉ còn cách hai người khoảng một cây số nên họ cố rướn lên dùng tay khua nước về phía đó.
Nhưng nước chảy mạnh hơn sức người chỉ dùng tay trong tình trạng đã kiệt sức. Những ánh đèn tàu dần xa. Hy vọng được cứu cũng tắt dần.
"Đến gần sáng, tui lờ mờ thấy từ xa có bóng giàn khoan. Đi biển lâu năm nên tui biết đây là giàn khoan trên vùng biển tỉnh Thái Bình. Hai anh em lại thắp lên hy vọng khi thấy từ xa có hai chiếc tàu lớn.
Nhưng chưa kịp mừng thì hai chiếc tàu lại chạy ngược hướng. Hải lưu cũng đẩy hai anh em xa dần chỗ giàn khoan", ông Sơn nhớ lại lúc tuyệt vọng nhất. Họ đã nghĩ đến cái chết.
Trời sáng dần cũng là lúc hai ngư dân gặp nạn kiệt sức cùng đói rét. Sương mù phủ dày đặc trên mặt biển càng làm hy vọng cạn dần. Hai người đàn ông càng tuyệt vọng hơn khi chợt nhớ ra dự báo thời tiết tối đó sẽ có gió mùa vào. Nếu đến chiều mà không gặp tàu nào cứu thì coi như hết hy vọng.
Hai anh em đã bắt đầu đếm từng phút. Mỗi phút trôi qua dài như một năm. Nhưng lúc cánh cửa dần khép lại thì may mắn lại xuất hiện.
Khoảng 11h trưa 19-2, họ phát hiện trong lớp sương mờ có một chiếc tàu giã cào ở khoảng cách 500m. Ban đầu, họ ngỡ là ảo giác. Nhưng chiếc tàu dần hiện rõ hơn. Không từ bỏ cơ hội cuối cùng, ông Vui liền cởi áo ra cố vươn tay lên vẫy vẫy và gắng sức gào thét kêu cứu. May mắn là có người trên tàu này phát hiện chiếc áo chuyển động trên mặt biển.
Được tàu giã cào vớt lên khỏi mặt nước, cả hai không nói được nhiều vì quá mệt mỏi. Những người trên tàu phải nấu cơm nóng cho họ ăn xong thì hai người mới kể rõ sự tình. Sau đó, tàu này liên lạc với biên phòng Nam Định cho tàu ra đón vào bờ. Sau khi vào bờ, hai người mới thật sự tỉnh táo, biết mình đã trôi 13 giờ trên biển qua khoảng 16 hải lý.
Được biên phòng chăm sóc, hai ngư dân gặp nạn dần hồi phục. Nhưng sợ gia đình lo lắng, cả hai đều không gọi báo về nhà. Phải đến đêm thứ hai ở đồn biên phòng thuộc Nam Định, ông Vui mới gọi về cho vợ. Bà Hoàng Thị Hoàn, vợ ông Vui, khi nghe tin chồng bị chìm thuyền trên biển đã lịm người, phải mất một lúc mới trấn tỉnh lại.
"Đó là một may mắn quá lớn với gia đình. Tui chỉ biết tạ ơn trời phật", bà Hoàn nói.
Suýt bị tàu hút theo xuống đáy biển
Ông Sơn kể thời điểm nước tràn vào quá nhiều ở hầm, hai anh em vẫn cố hút nước để tàu không chìm. Đến khi nước vào quá nhiều, tàu sắp chìm thì họ mới trèo lên khỏi hầm.
Khi ông Vui lên gần được cabin thì bị lực hút nước của tàu đang chìm hút ngược xuống. "May lúc đó ông ấy níu được tay vào cánh cửa ca bin để cố gồng lại được. Nếu không bị nước hút xuống hầm thì đã bị chìm theo tàu luôn rồi", ông Sơn kể.
*****************
Hai lần bị tuyết lở đổ ập xuống người, ông biết cái chết chỉ còn là vấn đề thời gian. May mắn đã mỉm cười với ông nhờ có cô bạn cùng trượt tuyết xác định được vị trí.
>> Kỳ tới: Bị chôn sống dưới tuyết dày
Thợ mỏ Mario Cockrell cầm gói bánh mì sandwich trên tay vội vã chạy đến thang máy. Một số thợ mỏ đang chen nhau chờ xuống hầm lò châm chọc: "Lại đi trễ như mọi ngày!".