Tại khoa hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, những cán bộ nghiên cứu gần như không có ngày nghỉ khi phải thay phiên chăm sóc loài muỗi hằng ngày.
Nuôi muỗi như "chăm trẻ"
Chị Nguyễn Thị Thu Trang - một trong những cán bộ làm việc tại viện hàng chục năm nay - đều đặn mỗi sáng đi gom trứng muỗi, theo dõi và kiểm tra quá trình phát triển của muỗi.
Trong căn phòng phủ đầy màn mỏng, những chiếc lồng vải, khay nuôi muỗi được xếp ngay ngắn từng hàng. Cầm hộp thức ăn cho bọ gậy, chị Trang khẽ lấy từng phần nhỏ đưa vào từng khay nuôi.
Chị Trang ví von việc nuôi muỗi chẳng khác nào chăm một đứa trẻ. "Chúng tôi nuôi muỗi từ khi là trứng, rồi thành bọ gậy, phát triển thành muỗi. Với mỗi giai đoạn đều rất tỉ mỉ. Bọ gậy chỉ cần thừa thức ăn cũng không sống được, nước bẩn một chút cũng không được. Để nuôi được một con muỗi trưởng thành phục vụ nghiên cứu, cán bộ viện gần như không có ngày nghỉ", chị Trang nói.
Khi những ấu trùng đã được chăm sóc tỉ mỉ để cho ra được những con muỗi trưởng thành thì công đoạn cho muỗi ăn hằng ngày cũng khó khăn không kém. Trong lồng muỗi, chị Trang đưa vào một chú chuột được kẹp chặt, đốt nóng rồi buộc chặt lồng, những con muỗi thấy thức ăn bâu kín.
"Thông thường chúng tôi sẽ cho muỗi ăn máu của chuột. Trong một số trường hợp, chính các cán bộ nghiên cứu sẽ là "thức ăn" cho muỗi", chị Trang chia sẻ.
Ngồi im để muỗi đốt
Sau khi rửa sạch và lau khô tay, chị Trang ngồi trước lồng nuôi muỗi trưởng thành. "Đây là muỗi sạch, nghĩa là được nuôi cấy tại phòng thí nghiệm, không có mầm bệnh nên đảm bảo an toàn", chị Trang nói.
Đây không phải lần đầu chị Trang cho muỗi ăn bằng chính máu của mình, nhưng nhìn hàng trăm con muỗi đang "khát máu", chị vẫn không khỏi hồi hộp.
Xắn gọn tay áo, tháo tấm màn mở lồng, chị Trang đưa một cánh tay của mình vào lồng, tay còn lại giữ chặt miệng lồng để muỗi không thể bay ra ngoài. Ngay khi cánh tay được đưa vào, muỗi bắt đầu bâu kín, thưởng thức "món ăn" mà chúng yêu thích.
Nghiến chặt răng, bàn tay nắm chặt, chị Trang lộ rõ sự đau đớn khi bị muỗi tấn công. Đau rát, ngứa ngáy nhưng chị vẫn cố ngồi im để hoàn thành thực nghiệm. Sau vài phút, chị Trang đưa tay khỏi lồng muỗi, lúc này tay chị đã bắt đầu đỏ, sưng lên chi chít.
Chị Trang chia sẻ tùy vào nghiên cứu thực nghiệm sẽ cho muỗi đốt trong khoảng thời gian nhất định. "Có khi chỉ cho muỗi đốt 1 - 2 phút, nhưng có lúc cũng dài hơn. Ban đầu cũng thấy sợ, cũng khó khăn nhưng dần cũng quen. Hơn thế, công việc nghiên cứu của mình đang giúp ích cho người dân nên mọi người đều cố gắng", chị Trang nói.
TS Lê Trung Kiên - trưởng khoa hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương - cho hay có trường hợp cán bộ nghiên cứu phải trực tiếp cho muỗi hút máu người để tăng tỉ lệ đẻ trứng và khả năng trứng nở cao hơn so với cho đốt động vật như thỏ, gà, chuột.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, để đánh giá các hóa chất như kem xua, dung dịch xua muỗi bảo vệ cá nhân, chỉ số muỗi đậu trên bề mặt da người đã bôi kem xua muỗi được coi là chỉ số quan trọng.
"Cán bộ nghiên cứu sẽ bôi các loại hóa chất, kem trên bề mặt da để thực nghiệm, kết quả sẽ biết được muỗi có đốt hay không, đánh giá các hóa chất có hiệu quả không. Hiện viện cũng thực hiện khảo nghiệm, đánh giá các loại sản phẩm xua muỗi trên thị trường", TS Kiên thông tin.
Những cán bộ y tế thầm lặng
TS Trần Quang Phục, phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cho hay công tác nuôi muỗi hiện nay là một trong những nhiệm vụ nghiên cứu của viện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
Một số loài muỗi được bắt từ thực nghiệm, đưa về nuôi cấy tạo ra các chủng chuẩn, sau đó thực hiện thử nghiệm các phương pháp tiêu diệt. Đồng thời, tìm hiểu các phương pháp, tập tính, thói quen của chủng muỗi để đưa ra biện pháp phòng chống hiệu quả nhất.
"Đối với các cán bộ của viện, về cơ bản khi thực hiện nghiên cứu đã đảm bảo an toàn theo quy định chung. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi những nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với các loại côn trùng, đặc biệt trong quá trình bắt muỗi tại thực địa. Thực tế đã có những cán bộ mắc sốt xuất huyết, sốt rét khi nghiên cứu thực địa", TS Phục chia sẻ.
TS Phục bộc bạch, trong hệ thống y tế, việc chăm sóc sức khỏe toàn dân có hai mảng là khám - chữa bệnh và y tế dự phòng. Công tác dự phòng là "tảng băng chìm", vì vậy ít được người dân, cộng đồng nhìn nhận và hiểu rõ về công tác này.
"Chúng tôi vẫn làm những công việc âm thầm như vậy với mong muốn những nghiên cứu sẽ giúp nâng cao được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết vẫn lưu hành và biến đổi không ngừng. Các loài côn trùng, đặc biệt là loài muỗi luôn có sự biến đổi, kháng hóa chất. Những nghiên cứu này cũng góp phần tìm ra giải pháp, nâng cao các biện pháp dự phòng.
Chúng tôi mong rằng công tác y tế dự phòng ngày càng được ghi nhận, được người dân quan tâm để cùng các cán bộ y tế "phòng bệnh hơn chữa bệnh", ông Phục nói.
Một số hình ảnh nuôi muỗi tại phòng hóa thí nghiệm:
TTO - Bạn và nhiều người khác cùng tập trung một chỗ, và không may là chỗ ấy có vài con muỗi. Thế nhưng chỉ có bạn bị muỗi 'hỏi thăm', trong khi những người khác không có việc gì. Vì sao vậy?
Xem thêm: mth.20180633152203202-ihgn-yagn-gnohk-uhn-nag-ert-mahc-uhn-ioum-ioun-iougn-gnuhn/nv.ertiout