Sau ba năm đóng cửa vì đại dịch, kinh tế châu Âu hồi phục và dần ổn định. Các nhà hoạch định chính sách khu vực này từng cho rằng 2023 sẽ là năm lục địa già trở lại trạng thái bình thường mới với mức tăng trưởng khá và lạm phát dưới 2%.
Tuy nhiên, dưới tác động của xung đột Ukraine một năm qua, kinh tế châu Âu dù tránh được những kịch bản xấu nhất, trạng thái bình thường mới sau dịch vẫn xấu hơn so với những gì các nhà kinh tế dự kiến.
Các hộ gia đình bắt đầu thắt chặt hầu bao vào quý IV/2022. Tại Áo và Tây Ban Nha, tiêu dùng giảm đã kéo mức tăng trưởng hàng quý xuống một điểm phần trăm. Thương mại bán lẻ trong khu vực đồng euro đã giảm 2,7% trong tháng 12 so với tháng 11 năm ngoái. Khi việc trợ giá và áp giá trần năng lượng bán cho hộ gia đình hết hiệu lực trong năm nay, sức mua có thể trở thành một vấn đề.
Trong khi đó, lạm phát còn dai dẳng. "Ở EU, chúng tôi có 27 cách khác nhau mà giá năng lượng bán buôn vẫn tác động người tiêu dùng. Đó là một cơn ác mộng để dự báo", một quan chức của Ủy ban châu Âu nói với The Economist.
Một số áp lực về giá vẫn có thể xảy ra. Ví dụ như ở Đức, nơi giá năng lượng trong tháng 1 tăng 8,3% so với tháng 12. Ngay cả khi giá bán buôn ổn định ở mức thấp hơn hiện tại, giá bán cho các hộ gia đình vẫn có thể thất thường.
Thị trường việc làm mạnh mẽ của châu Âu có thể làm tăng lạm phát. Giá cả cao và tình trạng thiếu nhân sự, có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi người già nghỉ hưu và ít thanh niên tham gia lực lượng lao động, đang đẩy nhu cầu trả lương lên cao.
Ở Hà Lan, tiền lương đã tăng 4,8% trong tháng 1 so với cùng kỳ 2022. Vào tháng 1 của năm 2021 và 2022, tiền lương chỉ tăng lần lượt 2,1% và 3,3%. Tại Đức, các công đoàn khu vực công đe dọa sẽ có nhiều cuộc đình công hơn. Họ muốn mức tăng lương đến 10,5%, điều có thể tạo ra yêu cầu tương tự ở các công đoàn khác.
Dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Indeed cho thấy tiền lương ở eurozone có xu hướng tuân theo lạm phát cốt lõi, vốn chưa có dấu hiệu giảm tốc. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, tức không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 7% vào tháng trước. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ phải đối mặt với chi phí tăng mạnh, theo khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Điều này có thể dẫn đến tăng giá hơn nữa.
Vì thế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ lãi suất cao. Thị trường kỳ vọng họ sẽ tăng lãi suất từ mức 2,5% lên 3,7% vào mùa hè. Do đó, chi phí vốn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ trở nên đắt đỏ hơn, ảnh hưởng đến đầu tư. Ông Eisenschmidt cho rằng hầu hết tác động của việc thắt chặt tiền tệ vẫn còn chưa được cảm nhận.
Nhìn chung, khu vực đồng euro thoát được suy thoái nhưng kinh tế đang trì trệ. Lạm phát và lãi suất vẫn cao. Tăng trưởng của eurozone là 0,1% trong quý IV/2022 và của Liên minh châu Âu là 0%. Xu hướng đầu năm nay cũng đang tương tự. "Điều đó vẫn tốt hơn là suy giảm", Bruno Cavalier, nhà kinh tế tại tập đoàn tài chính Oddo BHF, bình luận.
IMF dự đoán eurozone sẽ tăng trưởng 0,7% năm nay trong khi Ủy ban châu Âu dự báo 0,9%. Thậm chí những con số này có thể vẫn còn quá lạc quan, theo The Economist. Mỹ cũng phải đối mặt với tình trạng lạm phát nghiêm trọng không kém, và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc đã không mang lại nhiều động lực cho châu Âu. Bình thường mới của lục địa này có lẽ sẽ không ít gian nan.
"Đối với eurozone, chúng tôi dự đoán mức tăng trưởng bằng 0 trong quý I và chỉ 0,8% trong cả năm. Đây là mức thấp, với mức tăng trưởng dự kiến chỉ 0,2% ở Đức năm 2023", Felix Huefner, nhà kinh tế của UBS, cho biết.
Ở mặt tích cực, eurozone chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể sau cú sốc khủng hoảng Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng. Sau khi tăng vọt vào mùa hè năm ngoái, giá khí đốt hiện giờ còn rẻ hơn so với trước khi xảy ra xung đột. Các chính phủ không phải phân phối năng lượng như người ta lo ngại lúc đầu, một phần nhờ thời tiết ấm áp bất thường. Lạm phát toàn phần đạt mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2022, cũng đang giảm.
Những dự đoán về sự sụp đổ của các ngành công nghiệp vì chi phí nhiên liệu gia tăng cũng không xảy ra. Tại Đức, các nhà máy sử dụng nhiều năng lượng đã chứng kiến sản lượng giảm một phần năm kể từ khi chiến sự bắt đầu. Nhưng đến cuối năm ngoái, tổng sản lượng công nghiệp chỉ giảm 3%, phù hợp với xu hướng trước đại dịch. Cuộc khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh tại nước này cho biết các nhà sản xuất vẫn lạc quan như trước Covid-19.
Mặc dù nền kinh tế Đức suy giảm nhẹ trong quý IV/2022, eurozone vẫn chưa suy thoái. Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu, khối này sẽ tránh được suy giảm trong quý I năm nay. Các cuộc khảo sát gần đây cũng phản ánh xu hướng trên. Chỉ số PMI của khu vực này tăng lên những tháng gần đây, cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn dần hiện ra.
Ổn định kinh tế giúp mọi người có việc làm. Số lượng việc làm trên toàn khối đã tăng trở lại vào quý IV/2022. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999. Các công ty vẫn liên tục tuyển thêm.
Có việc làm giúp mọi người tiếp tục chi tiêu. Dù giá năng lượng cao, tiêu dùng vẫn đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng hàng quý trong quý II và III năm ngoái. Theo Jens Eisenschmidt, Kinh tế trưởng châu Âu của Morgan Stanley, cú sốc năng lượng cần có thời gian để ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì giá cao chỉ lan truyền sau một thời gian. "Trong khi chờ đợi, hỗ trợ tài chính từ chính phủ đã giúp các hộ gia đình chi tiêu", ông này nói.
Cuộc chiến cũng đã đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc và lâu dài trong nền kinh tế châu Âu, nhất là nguồn cung năng lượng. "Lục địa này đã rời xa sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và tìm kiếm các nguồn năng lượng khác, đó là một sự thay đổi lâu dài", Andrew Kenningham, chuyên gia phân tích của Capital Economics, cho biết.
Kể từ mùa hè năm ngoái, những người ra quyết định kinh tế và chính trị ở châu Âu đã chú ý đến một chỉ số mà trước đây không mấy quan tâm. Đó là giá khí đốt TTF, được niêm yết ở Hà Lan, được dùng làm giá chuẩn ở châu Âu.
Vào tháng 8/2022, nó đạt 338 euro mỗi mWh, gấp 15 lần mức trung bình trong lịch sử. Nhưng đến 17/2/2023, TTF chỉ còn 48,9 euro mỗi mWh, mức thấp nhất 18 tháng. Mùa đông trôi qua mà không có sự cố mất điện lớn nào xảy ra mặc dù lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm 85% trong quý IV năm ngoái.
"Canh bạc của nhà lãnh đạo Nga là đơn phương cắt nguồn cung khí đốt vào mùa hè của năm 2022, ngoại trừ một số quốc gia đồng minh bao gồm Hungary và Serbia, là một thất bại nặng nề", tờ Le Monde của Pháp bình luận.
Người châu Âu cũng đã tìm các nguồn cung khác, lấp đầy kho dự trữ của họ bằng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Trung Đông và Mỹ. Trong vòng vài tháng, Đức đã mua kho cảng LNG đầu tiên, khai trương vào tháng 12/2022 tại Wilhelmshaven ở Biển Bắc. Những kho cảng LNG sẽ sớm bổ sung ở Đức, Phần Lan.
Châu Âu cũng đã may mắn với một mùa đông ôn hòa. Đồng thời, các công ty và hộ gia đình đã cố gắng giảm tiêu thụ đáng kể. "Chúng ta đã đánh giá thấp tính linh hoạt của nền kinh tế," Kenningham nói. Kết quả, tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái, mức tiêu thụ khí đốt của EU giảm 20% so với trung bình giai đoạn 2017-2020.
"Các kho dự trữ khí đốt trên khắp châu Âu đang còn đầy 66%, là mức cao bất thường vào thời điểm này trong năm", theo Toby Whittington, chuyên gia của Oxford Economics. Với tốc độ hiện tại, chúng sẽ lại đầy vào cuối hè. "Rất khó có khả năng châu Âu cạn kiệt khí đốt trong mùa đông này hoặc năm sau", ông nói.
Phiên An (theo The Economist, Le Monde)