Sản xuất hydro xanh là phương pháp sản xuất nhiên liệu hydro thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng điện từ năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió, theo đó quá trình điện phân được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy. Công nghệ này có thể giảm đáng kể lượng phát thải các bon và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo UNDP, tỷ lệ sản xuất hydro xanh toàn cầu từ quá trình điện phân nước là không đáng kể và năm 2020 chỉ chiếm 0,03% sản lượng hydro của thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2030, khi các công nghệ điện phân sẽ phát triển vượt bậc và chi phí cho năng lượng tái tạo dự kiến sẽ giảm, hydro xanh sẽ là một lựa chọn khả thi hơn về mặt tài chính. Các quốc gia có tiềm năng cao về năng lượng tái tạo, có mối quan hệ thương mại tốt, ổn định chính trị và có vị trí địa lý gần các nhà nhập khẩu lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ hưởng lợi từ công nghệ này.
Năng lượng ở Việt Nam, chủ yếu được sản xuất từ than đá, ước tính chiếm khoảng 70% tổng lượng phát thải của Việt Nam vào năm 2030. Điều đáng khích lệ là Chính phủ Việt Nam đã tăng gấp bốn lần công suất năng lượng mặt trời và gió kể từ năm 2019.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26. Vào tháng 12/2022, Việt Nam, các nước G7, châu Âu, Đan Mạch và Na Uy đã ký kết Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), theo đó cam kết ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD sẽ được huy động để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, nhằm giảm 30% lượng phát thải cao nhất hàng năm từ ngành năng lượng, gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện từ 36% lên ít nhất 47% vào năm 2030, điều chỉnh giảm lượng than đá tối đa và đỉnh phát thải vào năm 2030 thay vì năm 2035.
Một nghiên cứu chung đánh giá vai trò tiềm năng của sản xuất và sử dụng hydro xanh giữa UNDP và Viện Năng lượng đã chỉ ra 3 nội dung quan trọng gồm ước tính thực tế về hydrogen xanh, chi phí quy dẫn của hydrogen và vai trò quan trọng của chính phủ trong việc đặt mục tiêu, xây dựng chiến lược và quy định cũng như cung cấp các ưu đãi dựa trên thị trường.
Phân tích cho thấy, nếu các máy điện phân chạy 90% công suất liên tục năm thì có thể sản xuất được ít nhất 11,49 triệu tấn hydrogen xanh trong năm 2020, và đến 2050 có thể lên đến 18,78 triệu tấn. Mặc dù chi phí sản xuất hydrogen dự kiến sẽ giảm đáng kể do chi phí công nghệ đầu vào giảm, nhưng chi phí này ở Việt Nam vẫn cao hơn các mục tiêu đặt ra trong các nền kinh tế khác.