vĐồng tin tức tài chính 365

Đê Đông ngăn mặn gánh cả trăm công trình trái phép

2023-02-27 06:40

Đê Đông dài 46 km, từ TP Quy Nhơn đến các xã phía đông của hai huyện Tuy Phước, Phù Cát (Bình Định). Đê có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho hàng ngàn hecta đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hàng loạt công trình được xây dựng trên đê, đến nay chính quyền vẫn lúng túng trong xử lý.

Hơn 100 trường hợp lấn đê

Theo tìm hiểu của PV, Tuy Phước là huyện có tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đê Đông nhiều nhất. Trong 103 trường hợp vi phạm thì huyện Tuy Phước có đến 95 trường hợp. Các địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhiều nhất là ở các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng. Tình trạng lấn chiếm, xây dựng diễn ra ngày càng phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đê Đông ngăn mặn gánh cả trăm công trình trái phép ảnh 1

Hàng loạt công trình kiên cố xây dựng trái phép trên đê Đông. Ảnh: QN

Ghi nhận của PV cho thấy dọc đê Đông là hàng loạt căn nhà mới, cũ mọc lên san sát, nhiều đoạn xung yếu của tuyến đê cũng có công trình kiên cố được xây dựng. Tại xã Phước Sơn, đoạn đập Mỹ Trang (thôn Mỹ Trang) có công trình kiên cố hoành tráng lấn ra diện tích mặt nước khá lớn.

Ngay bên cạnh công trình nhà ở kiên cố nói trên là một nền đất trống, bên ngoài đã đổ sẵn vật liệu xây dựng. Một cán bộ địa chính xã Phước Sơn cho biết ngay sau khi nắm được thông tin về trường hợp nói trên, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và buộc dừng. Theo người này, lợi dụng những ngày nghỉ, người dân đổ đất lấp dần để lấn mặt nước nên rất khó kiểm soát.

Cách đó không xa, tại thôn Mộc Thượng (xã Phước Sơn), tình trạng xây dựng trái phép, lấn đê Đông diễn ra phức tạp. Tại khu vực này chúng tôi ghi nhận có căn nhà hoành tráng, cổng sắt. Phía sau căn nhà này còn có nhà tạm bằng tôn chiếm phần mặt nước.

Ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết hiện nay ở địa phương có 34 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép tại khu vực đê Đông. Vì người dân lén lút bồi đắp đất nên việc phát hiện, xử lý cũng gặp một số khó khăn. Ban đầu người dân đổ đất một khoảnh nhỏ, rồi dần dần họ bồi đắp thành khu đất lớn. Lợi dụng ngày nghỉ, ngày lễ, người dân tiến hành xây dựng, làm móng nhà.

“Khi phát hiện sự việc, xã đến lập biên bản, buộc tạm dừng. Chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, vận động các trường hợp xây dựng trái phép tự tháo dỡ, trong thời gian tới nếu các trường hợp trên không chấp hành thì địa phương sẽ tiến hành cưỡng chế” - ông Thiện nói.

Đê có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho hàng ngàn hecta đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hàng loạt công trình được xây dựng trên đê, đến nay chính quyền vẫn lúng túng trong xử lý.

Xử lý chưa triệt để

Theo ghi nhận tại xã Phước Hòa, dọc đê Đông qua địa phương này cũng có một số công trình trái phép mọc lên trong những năm qua. Theo quan sát của PV, một công trình nhà ở cấp 4 mọc lên sát đê ngăn mặn trong thời gian khá lâu, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa xử lý triệt để. Ngay cạnh đó, một công trình đang tiến hành xây dựng nằm sát mặt nước.

Cũng theo tìm hiểu của PV, khoảng giữa năm 2022, lãnh đạo UBND huyện Tuy Phước đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép diễn ra trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy trên địa bàn có hàng loạt công trình nhà ở kiên cố được xây dựng, ngoài ra một số khu vực còn có tình trạng lấn đê, đổ vật liệu xây dựng để làm công trình. Tuy nhiên, việc xử lý đến nay vẫn chưa triệt để.

Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình ở dọc đê Đông trên địa bàn diễn ra khá phức tạp. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện cũng đã tập trung chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát các trường hợp lấn chiếm đất trên hệ thống đê Đông để có biện pháp xử lý, lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực này.

“Các công trình xây dựng, lấn chiếm trên đê Đông nằm trong khu vực xung yếu, chúng tôi cương quyết xử lý tháo dỡ để trả lại hiện trạng tiêu thoát lũ. Đến nay chính quyền đã vận động người dân tháo dỡ được 30 trường hợp, đối với các trường hợp còn lại đang được các cấp chính quyền phân loại để xử lý” - ông Xuân cho biết.

Cũng theo ông Xuân, đối với những trường hợp đơn giản thì chính quyền sẽ tiến hành xử lý trước. Đối với trường hợp xây dựng công trình phức tạp, huyện cũng chỉ đạo có những biện pháp cương quyết xử lý.

“Đối với các trường hợp xây dựng không nằm trong phạm vi hành lang đê và đang xây dựng công trình kiên cố, chúng tôi sẽ tiến hành phân kỳ để xử lý. Tất cả trường hợp này cũng bị xử lý, không để trường hợp nào tồn tại. Riêng đối với trường hợp nào có nhu cầu đất ở, chính quyền sẽ xem xét, giải quyết” - ông Xuân thông tin thêm.•

Đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý

Trao đổi với PV, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi (đơn vị trực tiếp quản lý vận hành công trình đê Đông) lập biên bản từng vụ việc và đề nghị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm này.

“Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm ở hành lang đê Đông hiện nay vẫn chưa triệt để, còn kéo dài. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ làm mạnh hơn để giải quyết triệt để những trường hợp này” - ông Chương nói.

HUY TRƯỜNG

Xem thêm: lmth.235127tsop-pehp-iart-hnirt-gnoc-mart-ac-hnag-nam-nagn-gnod-ed/nv.olp

“Đê Đông ngăn mặn gánh cả trăm công trình trái phép”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools