Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong buổi công bố Sách trắng vừa qua cũng đã đề nghị giảm rào cản hoặc mở rộng miễn visa, nới thời gian cho khách hạng sang từ châu Âu.
Tiền nong không phải vấn đề
Là cái tên không xa lạ với giới siêu giàu Ấn Độ, Sheraton Grand Danang Resort & Convention Center đã hai lần được các tỉ phú lựa chọn làm nơi tổ chức lễ cưới triệu USD cho các cặp đôi vào năm 2019 và 2023. Khách sạn này đang xúc tiến một lễ cưới thứ ba cho giới nhà giàu Ấn Độ.
Về hiệu quả khi đón đoàn khách siêu giàu, bà Ngân Nguyễn - đại diện khách sạn - cho biết tiền nong với dòng khách này không quá quan trọng.
Mỗi sự kiện tiệc cưới Ấn Độ thường kéo dài từ 3-5 ngày, họ bao sân toàn bộ khách sạn cùng các dịch vụ cho khách mời và các nghi lễ. Do đó, mức chi tiêu trung bình trên mỗi khách cao hơn nhiều so với khách lẻ.
"Mỗi đám cưới Ấn Độ thường rất đông người, có thể lên đến 400-600 khách. Để chuẩn bị cho dòng khách này, chúng tôi đang phát triển năng lực tiếp đón những đám cưới lớn hơn, có thể lên tới 1.000 người" - bà Ngân Nguyễn cho biết.
Tại Đà Nẵng, từ sau COVID-19, ngành du lịch không còn chạy đua theo số lượng khách đón được mà tập trung vào khai thác mức chi tiêu của khách du lịch kết hợp công vụ và dòng khách du lịch cưới hỏi, sự kiện.
Kết quả là dù năm 2022 lượng khách thành phố này đón được chỉ bằng một nửa năm 2019 nhưng doanh thu từ dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành gần như ở mức tương đương với 21.300 tỉ đồng.
Ngoài dòng khách cưới hỏi, nhiều doanh nghiệp hướng tới khách đi du thuyền đang ngày càng ghé Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, để đón những đoàn này vẫn còn không ít rào cản, chi phí doanh nghiệp đề nghị giảm.
Gỡ bớt rào cản
Chị Nguyễn Thị Anh Tú - chủ tịch Công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Alden Travel (TP Châu Đốc, An Giang) - cho biết đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch trong tỉnh và liên kết tour du lịch trên sông Mekong.
Theo chị Tú, ngành du lịch Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng còn nhiều bất cập như: visa Việt Nam còn hạn chế về thời gian ngắn, một số nước bị hạn chế miễn visa vào Việt Nam. Sông Hậu, sông Tiền thì thuyền lớn đưa khách nước ngoài vào rất khó khăn…
"Gần đây chính quyền yêu cầu phải lắp đặt định vị AIS và VHF như tàu biển mới cho hoạt động là vô lý. Tàu thuyền chúng tôi đưa rước khách quốc tế tham quan trên sông là tàu gỗ chạy vài km chứ không đi xa. Định vị AIS và VHF trên 10 triệu đồng/chiếc nhưng chỉ để chơi. Rõ ràng là lãng phí, gây khó cho doanh nghiệp", chị Tú nói.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Sở GTVT An Giang cho hay sẽ yêu cầu rà soát lại việc này. Các phương tiện phải được lắp đặt giám sát hành trình theo quy định chung của Bộ GTVT. Nếu khó khăn sẽ kiến nghị tháo gỡ giúp doanh nghiệp du lịch.
Còn tại Khánh Hòa, theo kế hoạch, năm 2023 Nha Trang - Khánh Hòa sẽ đón hơn 30 chuyến tàu biển với hàng chục nghìn lượt du khách, đa số đến từ thị trường châu Âu - Mỹ. Trong đó, có các hãng tàu lớn và nổi tiếng thế giới như Spectrum of the Sea (4.000 khách), MSC Poesia (2.800 khách).
Tiếc rằng trong tháng 2, một số chuyến tàu bị hủy bỏ, trong đó có lý do thời tiết.
Một số doanh nghiệp cho hay vào tháng 1-2023 UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép ô tô trên 29 chỗ ngồi được cấp phù hiệu xe du lịch vào trung tâm TP Nha Trang trong giờ cao điểm. Nhưng từ đó đến nay chưa doanh nghiệp nào được cấp phù hiệu xe du lịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Du lịch Khánh Hòa cho hay trước đây có mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch nhưng các doanh nghiệp không mặn mà nên nhiều doanh nghiệp không được cấp phù hiệu xe du lịch.
Hiện sở đã lên kế hoạch sẽ mở hai lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho lái xe, nhân viên phục vụ trên ô tô vận tải và phương tiện đường thủy nội địa từ ngày 13 đến 18-3.
Ông Phạm Hà - chủ tịch Lux Group - chia sẻ trong nhiều năm qua luôn mong muốn tạo ra những sản phẩm mới lạ để khách quốc tế giàu có sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam, nhưng vẫn gặp nhiều trở ngại.
"Chẳng hạn, để tham quan vịnh Bái Tử Long, vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ du khách phải đi ba hành trình khách nhau, ba du thuyền khác nhau. Thay vào đó, chúng tôi mong rằng có thể có những chuyến du thuyền thông giữa các vịnh… và chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hành trình qua GPS một cách dễ dàng", ông Hà bộc bạch.
Đặc biệt, đón khách du thuyền nhưng môi trường một số nơi, theo ông Hà, như trên vịnh Hạ Long hiện nay để lại ấn tượng vô cùng xấu cho du khách, rác thải khắp trên vịnh, khói bụi, bến du thuyền kém…
Cần chọn doanh nghiệp đầu tư bài bản
Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng việc chuyển hướng khai thác phân khúc khách chi tiêu cao, giới khách giàu là xu hướng tất yếu để nâng chất ngành du lịch, đưa các điểm đến tại Việt Nam lên tầm thế giới.
Mức chi tiêu cao từ dòng khách này còn có tác dụng lan tỏa sang các ngành dịch vụ, mua sắm, giải trí khác.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, chủ tịch Hội Khách sạn TP Đà Nẵng, nói nhiều nơi ở Việt Nam cơ sở lưu trú rất tốt nhưng cơ sở vui chơi giải trí lại rất thiếu, các hoạt động vui chơi trên biển hầu như không có.
"Dù là trung tâm du lịch biển nhưng ở Đà Nẵng, khách yêu cầu một du thuyền ra giữa biển ngắm hoàng hôn mình không đáp ứng được" - ông Quỳnh nói.
Các doanh nghiệp cho rằng điểm mấu chốt là các địa phương phải tăng cường thu hút đầu tư vào du lịch bằng các chính sách thực sự thông thoáng, nhiều ưu đãi.
Cần lựa chọn được những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ để xây dựng nên các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, không để khách "giữa giờ chơi mang (tiền) đến rồi lại mang về"!
Ngại đầu tư, buồn với nạn chèo kéo
Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, sản phẩm cao cấp cho khách quốc tế, ông Cao Anh Tuấn - giám đốc kinh doanh Tập đoàn Paradise Vietnam - nhận định khách du lịch cao cấp thường có yêu cầu chất lượng dịch vụ rất cao, phần lớn khách ưu tiên các trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, âm nhạc, đồng thời rất coi trọng yếu tố du lịch xanh, bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển thực hành du lịch xanh cũng đang bị hạn chế, chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng do một số yếu tố khách quan như cơ sở hạ tầng du lịch phát triển thiếu đồng bộ, chi phí cho du lịch xanh thường cao nên dẫn đến ít đơn vị dám đầu tư, triển khai quyết liệt.
Lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch thì buồn rầu nói: Du khách tàu biển thường là khách hạng sang, chịu chi tiêu, họ chỉ dừng chân từ 8-12 giờ tại một điểm đến sau đó quay trở lại tàu.
Tuy nhiên các sản phẩm lưu niệm, hay các loại đặc sản ở nhiều địa phương vẫn còn kém phong phú, không có dấu ấn riêng… Tình trạng chèo kéo, ép giá vẫn còn gây ám ảnh.
Ông Nguyễn Ngọc Anh (giám đốc Công ty Omega Tours):
Cơ quan quản lý cần nghiêm túc trước một số câu hỏi
Khách sạn, resort ở một số nơi, như Đà Nẵng, cơ bản đủ đáp ứng được các nhu cầu nhưng các dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí và mua sắm là chưa đủ để đáp ứng hết nhu cầu của dòng khách chi tiêu cao.
Nhiều đối tác hỏi tôi tại sao thành phố hiếm các dịch vụ vui chơi thể thao trên sông, trên biển hay các khu điểm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp?
Đây là câu hỏi khó nhưng ngành du lịch và cơ quan quản lý cần nghiêm túc giải quyết.
Làm sao để chúng ta có những nhà hàng đẳng cấp Michelin, phục vụ những bữa ăn ngàn đô? Có các trung tâm mua sắm giải trí tầm cỡ thế giới, phục vụ nhu cầu tiêu tiền của khách giàu? Cung cấp được cho họ những dịch vụ xa xỉ như trực thăng, du thuyền, máy bay riêng?
TTO - Đà Nẵng cần giảm phụ thuộc nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc để hướng tới các thị trường bền vững, có khả năng chi tiêu cao. Không chạy theo số lượng, tập trung vào thu hút chi tiêu, xây dựng sản phẩm dịch vụ cao cấp.
Xem thêm: mth.14885632262203202-gnas-gnah-hcahk-nod-nac-oar-ueihn/nv.ertiout