Nhân dịp 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông TĂNG CHÍ THƯỢNG - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã ngồi lại với Tuổi Trẻ cùng phác họa "bức tranh" về hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở một "siêu đô thị" như TP.HCM. "Dù bác sĩ có chuyên môn giỏi đến mấy, nếu cơ sở hạ tầng chật chội, xuống cấp sẽ không thể nào phát triển được các kỹ thuật chuyên sâu, kéo theo đó là rất khó mang đến sự hài lòng cho người bệnh", người đứng đầu ngành y tế TP.HCM khẳng định.
Hết cảnh nằm gầm giường
* TP.HCM có nhiều cơ sở y tế tuổi thọ rất cao. Bức tranh hạ tầng y tế của TP có tương xứng với một "siêu đô thị"?
- Phải khẳng định TP.HCM là địa phương có mạng lưới y tế rộng khắp với một trình độ chuyên môn sâu. Song nếu nhìn tổng thể "bức tranh" cơ sở hạ tầng về y tế chưa thực sự tương xứng với một "siêu đô thị".
Chẳng hạn như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang giữ kỷ lục lâu đời nhất Việt Nam với hơn 160 tuổi. Một số bệnh viện khác cũng đã "rất già" như Bệnh viện Nhân dân Gia Định trên 120 tuổi, Bệnh viện Nguyễn Trãi trên 130 tuổi. Các bệnh viện có tuổi thọ gần 100 tuổi cũng rất nhiều. Rõ ràng khi "tuổi thọ" cơ sở hạ tầng càng cao, chất lượng công trình càng xuống cấp và lạc hậu.
Các nghiên cứu cho thấy bệnh viện nào có cơ sở hạ tầng sử dụng trên 50 năm đều không thể phát triển được kỹ thuật chuyên sâu, khó đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh. Như ở Singapore, một bệnh viện chỉ đáp ứng được hiệu quả hoạt động chuyên môn kỹ thuật sau khoảng 30 năm xây dựng. Họ cho rằng chừng đó thời gian điều kiện phòng chống nhiễm trùng, vô khuẩn không được như ban đầu. Và họ sẽ tìm kiếm quỹ đất xây dựng lại bệnh viện ở một vị trí khác.
Song ở nước ta việc đầu tư xây dựng mới một bệnh viện không dễ. Điển hình là Bệnh viện Nhi Đồng 1 được xây dựng từ năm 1956, dù muốn xây dựng lại nhưng chậm mất 10 năm. Hay như Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn nhiều năm qua cứ mưa là ngập sâu trong biển nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng việc điều trị, các trang thiết bị máy móc cũng sẽ xuống cấp theo.
* Nhiều bệnh viện "cao tuổi" như thế, ông lo ngại nhất bệnh viện nào?
- Đó là Bệnh viện Tâm thần và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Đây là hai bệnh viện chuyên khoa mà ngành y tế đeo đuổi nâng cấp, được TP quan tâm và hy vọng sớm có lối ra.
Trong đó, Bệnh viện Tâm thần cũ và xuống cấp nghiêm trọng nhất trong hệ thống cơ sở y tế của TP.HCM. Đặc biệt là cơ sở của bệnh viện tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) nhiều năm nay xảy ra sụt lún sâu, gạch men vỡ nát, vách tường nghiêng, nứt... Thực tế này phải chấm dứt càng sớm càng tốt.
* Gần đây hạ tầng y tế đã có nhiều khởi sắc, một số dự án đầu tư có giá trị hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng đã và đang về đích?
- Đúng thế. Ngày 21-2, Bệnh viện Nguyễn Trãi với tuổi thọ hơn 130 năm khánh thành khu điều trị kỹ thuật cao sau hàng chục năm chịu cảnh xuống cấp. Đây là niềm mơ ước của nhiều thế hệ nhân viên bệnh viện. Tòa nhà với chín tầng có nhiều khoa chuyên sâu, đặc biệt là hồi sức và cấp cứu.
Có thể nói chưa bao giờ bệnh viện có một cơ ngơi giường bệnh rộng lớn (300 giường) và đầy đủ trang thiết bị hiện đại như bây giờ. Tôi tin với các điều kiện này, bệnh viện sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, sau các thành tựu đáng ghi nhận về tim mạch, tiêu hóa, nội soi, xâm lấn... thời gian qua.
Trong các dự án về đích, không thể không nhắc đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, vốn được xem là hình mẫu, có thể áp dụng tất cả các kỹ thuật chuyên sâu. Nếu như trước đây người bệnh ung thư vào cơ sở cũ chủ yếu phải nằm ghép, nằm dưới đất hoặc gầm giường thì nay với cơ ngơi mới, người bệnh có chỗ nằm thoải mái. Sắp tới đây, UBND TP.HCM còn có kế hoạch đầu tư xây thêm một tòa nhà trên diện tích khoảng 2ha cho thân nhân bệnh nhân. Nếu được thúc đẩy sớm đây sẽ là mô hình đầu tiên ở Việt Nam.
Ngoài ra là hàng loạt dự án hiện đại lần lượt về đích như khu chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Nhân dân 115; trung tâm sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1; Trung tâm Pháp y. Đặc biệt ba bệnh viện đa khoa khu vực có vốn đầu tư gần 6.000 tỉ đồng ở Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn dự kiến cùng về đích trong năm 2023 hứa hẹn gỡ được nút thắt dồn bệnh, tạo mạng lưới chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Góp phần giữ chân nhân viên y tế
* Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 có vốn đầu tư cao nhất, gần 6.000 tỉ đồng với kỳ vọng rất lớn của người dân, có đạt chuẩn mực quốc tế?
- Phải khẳng định đây là mô hình bệnh viện chuẩn mực giống như ở các nước tiên tiến. Khi quyết định xây dựng cơ sở này, ai cũng thấy Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh đang "mặc chiếc áo quá chật", bởi số lượng bệnh nhân ung thư ngày một tăng, trong khi diện tích quỹ đất phục vụ rất khiêm tốn. Không chỉ bí bách về không gian phục vụ, chất lượng cơ sở vật chất bệnh viện theo thời gian không còn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Từ thực tế đó có thể khẳng định cơ sở 2 là niềm mong ước của người bệnh, y bác sĩ và của chính quyền TP. Đây gần như là sự thay đổi toàn diện về chất lượng phục vụ và là điều kiện tiên quyết để bệnh viện phát triển được tất cả kỹ thuật chuyên sâu của ngành ung bướu.
* Rõ ràng từ khi có cơ sở mới, các bệnh viện tăng được phòng mổ, kéo giảm lượng người bệnh phải chờ... Có bác sĩ còn cảm thán là "phòng mổ trong mơ", thưa ông?
- Đó cũng là mong mỏi của nhiều bác sĩ. Đặc biệt với chuyên ngành ung thư phải chịu đựng một tình trạng quá tải, xuống cấp kéo dài quá nhiều năm. Cũng nhờ có cơ sở hiện đại mà Bệnh viện Ung bướu nâng được từ 14 lên 20 phòng mổ, giảm dần thời gian người bệnh phải chờ đợi từ 4 tuần xuống còn 3 tuần.
Với chúng tôi, công việc có cực nhọc đến mấy nhưng hễ có cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại giúp điều trị hiệu quả hơn, cứu sống được nhiều người bệnh hơn là niềm mong mỏi lớn nhất.
* Có nghĩa nếu không có hạ tầng và trang thiết bị y tế đủ tốt sẽ là rào cản trong phát triển chuyên môn, cũng như giữ chân nhân viên y tế?
- Chính xác. Đối với bác sĩ, cái khó chịu nhất là chẩn đoán ra bệnh, biết cách điều trị bệnh nhưng trong tay không có công cụ điều trị cho bệnh nhân của mình. Cũng chính vì lẽ này, nhiều bác sĩ giỏi từ bệnh viện công chuyển qua các cơ sở y tế khác (chủ yếu tư nhân) để có đủ phương tiện làm nghề.
Rõ ràng chuyện lương bổng không phải là thứ duy nhất giữ chân nhân viên y tế, theo tôi, đó còn là môi trường và điều kiện làm việc. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như một liều "doping" kích thích các nhân viên y tế gắn bó, làm việc hiệu quả hơn, chứ thực tình nghề này không phải cứ được thảnh thơi là vui đâu (cười...).
Không để bệnh viện quá lo lắng
* Thưa ông, khi các bệnh viện đi vào hoạt động, việc lo lắng nhất là khâu vận hành, sử dụng và khai thác hiệu quả... Việc này, ngành y tế đã có tính toán ra sao?
- Chắc chắn khi chuyển tiếp từ một bệnh viện ở trạng thái xuống cấp chuyển sang một cơ sở hiện đại sẽ có một khoảng trống về khâu sử dụng, quản lý, vận hành, bảo trì bảo dưỡng. Chẳng hạn như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chỉ tính tiền điện một tháng đã tốn 5 tỉ đồng. Khoản chi phí duy trì này, chúng tôi đang phối hợp cùng Sở Tài chính TP tham mưu UBND TP bổ sung ngân sách, chứ không để bệnh viện quá lo lắng.
Mặt khác, nguyên tắc vận hành một bệnh viện cần sự ổn định ở mọi khâu, do đó về lâu dài bệnh viện cũng cần hợp đồng với một đơn vị chuyên quản trị tòa nhà hiện đại. Cần có một người trong ban giám đốc có chuyên môn về quản trị hạ tầng của bệnh viện.
* Các dự án ngàn tỉ đồng sẽ là "cú hích" cho TP.HCM phát triển thành trung tâm y tế chuyên sâu. Ông kỳ vọng gì và có xem đó là "cú hích"?
- Trên thực tế khi xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và của ngành y tế nói riêng là cả một quá trình dài hơi. Nhưng những chuyển biến về cơ sở hạ tầng với nhiều viện - trường hiện đại hàng ngàn tỉ đồng này đã mang lại một tín hiệu tích cực, góp thêm niềm tin cống hiến cho nhân viên y tế và cơ hội điều trị cho người bệnh.
Nếu nói "cú hích" cũng phù hợp. Nhưng theo tôi, cơ sở hạ tầng y tế là điều kiện bắt buộc phải có mới phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, qua đó rút ngắn khoảng cách về trình độ với các nước có nền y khoa tiên tiến. Mà muốn như vậy, chắc chắn hạ tầng y tế phải đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Còn vướng mắc cấp cứu bằng trực thăng
* Có một điểm chung ở các bệnh viện ngàn tỉ đồng là đều có sân đỗ trực thăng. Ông kỳ vọng gì về các bãi đáp này?
- Đây là bước chuẩn bị để đón đầu nhu cầu cấp cứu của người bệnh, đặc biệt với các trường hợp cần cấp cứu khẩn cấp, xa cơ sở y tế như ở khu vực đảo hoặc nơi xảy ra sự cố do tai nạn, thiên tai. Hiện nay việc cấp phép bay đang vướng khiến nhiều bệnh viện tuy có bãi đáp trực thăng nhưng chưa thể khai thác cấp cứu.
Cụm y tế Tân Kiên giờ ra sao?
* Cụm y tế Tân Kiên từng được kỳ vọng là nơi "cất cánh" cho ngành y tế phát triển ngang tầm khu vực. Ông có thể nói rõ thêm về "bức tranh" của cụm này hiện nay ra sao?
- Cách đây ít hôm, TP.HCM chính thức khởi công xây dựng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tín hiệu này cho thấy, cụm y tế Tân Kiên (Bình Chánh) vẫn tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện theo quy hoạch trở thành cụm viện - trường hiện đại. Ở đó có trường ĐH đào tạo và xung quanh là các bệnh viện vừa phát triển chuyên môn kỹ thuật, vừa là cơ sở thực hành nghiên cứu khoa học.
Ngoài Bệnh viện Truyền máu huyết học và Nhi đồng TP đã hiện hữu, sắp tới nếu khởi công xây thêm bệnh viện của ĐH Phạm Ngọc Thạch chắc chắn "bức tranh" này sẽ đạt được trên 50% kỳ vọng. Và hy vọng trong tương lai không xa khi có tuyến metro đi qua, người dân và nhân viên y tế sẽ thuận lợi hơn trong việc di chuyển.
Ông Phạm Xuân Dũng (giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Cơ ngơi "trong mơ"
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chính thức vận hành toàn phần là việc cấp bách, mang lợi ích thiết thực cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Đây là cơ ngơi "trong mơ" giúp chúng tôi phát triển các mũi nhọn về kỹ thuật chẩn đoán, ghép tủy và phẫu thuật bằng robot. Đặc biệt cho phép hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển chuyên môn kỹ thuật mới từng bước đưa điều trị ung thư lên một trình độ mới.
Ông Phan Văn Báu (giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115):
Cơ hội phát triển y tế hàng không
Tòa nhà khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao sẽ mang đến cho bệnh viện nhiều cơ hội phát triển. Tòa nhà mới này sẽ được quản lý theo công nghệ 4.0, giúp triển khai hàng loạt kỹ thuật cao như y sinh học phân tử, điều trị gene, tế bào gốc, đột quỵ, thần kinh, tim mạch, ung thư, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống.
Đặc biệt, tòa nhà có cả đường hầm chuyển bệnh và bãi đáp trực thăng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh viện triển khai dịch vụ y tế hàng không, giúp bệnh nhân các tỉnh tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu nhanh chóng.
Ông Đặng Quốc Quân (giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn):
Nhìn cơ ngơi, nhiều bác sĩ xin về "đầu quân"
Nhiều năm qua bệnh viện xuống cấp trầm trọng, mưa là ngập khiến việc thăm khám, điều trị bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, chúng tôi rất kỳ vọng khi tòa nhà mới 12 tầng quy mô 1.000 giường được đưa vào sử dụng.
Khi nghe tin tòa nhà mới của bệnh viện sắp hoàn thành, chúng tôi nhận được rất nhiều đơn xin "đầu quân" về làm việc. Điều này khá bất ngờ bởi trước đây khá nhiều bác sĩ xin nghỉ việc, có lúc cả bệnh viện chỉ còn 50 bác sĩ. Như vậy, nhờ có cơ sở mới giúp bệnh viện thu hút được nguồn nhân lực, không còn phải chuyển bệnh và có cơ hội phát triển thêm nhiều kỹ thuật chuyên sâu.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hai vấn đề nóng hiện nay về máy móc trang thiết bị y tế và thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan đến 3 báo giá sẽ được giải quyết ngay trong tháng 2, đầu tháng 3.
Xem thêm: mth.974908072203202-it-nagn-neiv-hneb-cac-ut-hcih-uc/nv.ertiout