Ông Đặng Xuân Thanh - phó chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cháu nội của cố Tổng bí thư Trường Chinh - trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam của Tổng bí thư Trường Chinh.
Những giá trị cốt lõi: tính dân tộc, khoa học, đại chúng
* Đề cương văn hóa Việt Nam sau 80 năm vẫn được khẳng định là còn nguyên giá trị, ông nghĩ sao về điều này?
- Không phải vì là cháu nội cụ Trường Chinh mà tôi nói rằng đọc Đề cương văn hóa Việt Nam tôi phải kinh ngạc. Chỉ mấy trang giấy nhưng bố cục rất chặt chẽ, rất logic trong cấu trúc lẫn ngôn từ.
Đề cương văn hóa Việt Nam đã vạch ra những nét chính cho sự nghiệp văn hóa của cách mạng lúc bấy giờ nhưng tính chất thời đại cũng vô cùng lớn. Thời nào văn hóa cũng cần tới những giá trị cốt lõi, ấy là tính dân tộc, khoa học, đại chúng.
Và sức sống lâu bền của đề cương còn bởi nó thấm đẫm chất văn hóa rất lớn trong con người của Tổng bí thư Trường Chinh. Những nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Trường Chinh... - những "khai quốc công thần" không chỉ là các nhà cách mạng chuyên nghiệp mà còn là những nhà văn hóa lớn. Vì họ hiểu cái gốc gìn giữ cho dân tộc trường tồn là văn hóa. Cần rất nhiều yếu tố hội tụ ở một con người thì khi đặt bút mới ra được một đề cương như vậy.
* Có lẽ cái chất văn hóa trong Tổng bí thư Trường Chinh thể hiện ngay trong cách giáo dục con cái. Tôi đã nghe chuyện ba người con trai của ông đều phục vụ trong quân ngũ, kể cả người con út đang học ở Liên Xô cũng được đưa về nước nhập ngũ.
- Ba người con trai của ông đều phục vụ trong quân ngũ. GS Đặng Xuân Kỳ, bố tôi, ở trong quân đội chín năm mới trở về đi học để trở thành nhà lý luận. Còn chú út tôi khi đang du học vật lý hạt nhân ở Liên Xô thì ông tôi đã yêu cầu về nước để vào bộ đội sau khi ông nhìn thấy chú để tóc dài theo mốt của thanh niên ở Liên Xô lúc bấy giờ.
Trong suy nghĩ của ông tôi lúc đó, khi tiền tuyến có hàng vạn chiến sĩ đang đổ máu, cơm không đủ ăn, áo quần có thể rách rưới mà hậu phương sống hưởng thụ quần loe tóc dài là tuyệt đối không được.
* Và lý do gì các con ông đều làm hoặc từng làm khoa học?
- Bởi trong quan điểm của ông tôi, đất nước phải tiếp cận và làm chủ được khoa học công nghệ thì mới có thể vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nền công nghiệp mà chỉ đi gia công cho nước ngoài, nền nông nghiệp phụ thuộc vào giống má, thuốc trừ sâu, phân bón từ nguồn nhập khẩu thì có thể có một nền kinh tế độc lập, tự chủ hay không. Cho nên, ông muốn các con ông đều làm khoa học để đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước sau này.
Sáng tạo, đầu tư cho văn hóa hơn
* Quay trở lại Đề cương văn hóa Việt Nam, ông có cho rằng dù đề cương vẫn nguyên giá trị ở thời đại hôm nay nhưng phải được vận dụng linh hoạt?
- Mỗi giai đoạn có những yêu cầu của thực tế riêng. Không thể gò đường lối lãnh đạo văn hóa hôm nay theo cái khuôn của mấy chục năm trước. Văn hóa là sáng tạo, văn hóa không chết cứng, không thể có khuôn mẫu cứng để gò đời sống vào đúng khuôn. Muốn sáng tạo phải cởi mở, linh hoạt. Cần định hướng là đúng, củng cố nền tảng giá trị là cần thiết. Nhưng phải làm sao để văn hóa nở hoa mà lại bớt sâu bọ.
* Gần đây người ta nói nhiều đến chấn hưng văn hóa, đặc biệt từ sau phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11-2021. Đề cương văn hóa Việt Nam cũng vì vậy được nhắc tới và vận dụng nhiều hơn.
- Việc chuyển đổi mạnh mẽ hệ thống kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường đã xuất hiện những mặt trái, đến mức độ nghiêm trọng. Tệ nói dối, quỵ lụy, xin xỏ khắp nơi vì nó đem lại lợi ích. Những vấn nạn về văn hóa, đạo đức có mặt từ gia đình đến xã hội, tới cơ quan công quyền. Sự xáo trộn giá trị đang diễn ra. Tham nhũng trở nên phổ biến. Có những người tiền ăn nhiều đời không hết mà vẫn tham nhũng. Nhiều giá trị tốt đẹp đổi thay, đảo lộn. Văn hóa bị xói mòn. Nhưng cũng đến lúc sự phát triển kinh tế cho phép chúng ta phải quan tâm, đầu tư cho văn hóa hơn.
Lớp trẻ hôm nay rất thông minh, năng động. Họ có nhiều cơ hội học tập, phát triển. Nhưng học gì thì cần đường lối định hướng. Nếu không, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn của nô dịch văn hóa kiểu mới.
Sáng nay 27-2, tại Hà Nội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển".
Đây là hoạt động chính trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam. Sau phát biểu khai mạc và chỉ đạo, đề dẫn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; báo cáo trung tâm do Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trình bày, hội thảo sẽ có phần trình bày tham luận dưới nhiều góc độ từ các nhà quản lý, chuyên gia uy tín; lãnh đạo một số địa phương như Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, TP.HCM...
Bên lề hội thảo là triển lãm ảnh 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam.
80 năm trước Đảng ta ban hành bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). Đây là văn kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng vạch ra phương hướng phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật - nền tảng tinh thần của quốc gia, dân tộc.