vĐồng tin tức tài chính 365

Ngải đắng quê nhà

2023-02-27 10:40
Ngải đắng quê nhà - Ảnh 1.

Lá ngải đắng

Ngải đắng bắt đầu vươn vai, khẽ nhú những búp xanh ngơ ngác nhìn ngắm bầu trời. 

Một buổi sáng thong dong, ngồi ngắm nhìn những mầm rau tươi non lấp lánh vài giọt mưa đọng trên lá, bất giác tôi lại hoài niệm về những mùa rau ngải đắng đã đi qua cuộc đời mình, sực nhớ đến bát canh có vị đắng nhăng nhẳng nhưng thấm đẫm tình yêu thương của mẹ tôi những ngày ấu thơ, mà lòng nao nao nhiều nỗi niềm. 

Ở quê tôi, khi mùa xuân đến cũng là thời điểm các loài rau đua nhau nảy nở, khiến khu vườn quê bất giác trở nên đầy sức sống. Những luống cà chua đỏ tươi mọng nước, mấy luống cải xanh rì mướt mắt. Lại thêm một cây ớt nhỏ ở góc vườn, đang độ ra trái đầy cành. 

Tuy nhiên, loài rau có sức sống bền bỉ nhất có lẽ là loài rau ngải đắng. Có lẽ do khí hậu Lạng Sơn quanh năm ôn hòa, mát mẻ nên rau ngải cứu mọc được rất nhiều trong vườn nhà, không cần phải tốn công chăm sóc nhiều, chỉ cần tưới nước là đã lên xanh tốt.

Những năm 1980 thiếu thốn, quê tôi cũng như bao vùng quê khác trên đất nước, cuộc sống của người dân còn vô vàn khó khăn thiếu thốn. Ngôi nhà gỗ của tôi nằm cạnh một dãy núi đá vôi vắng lặng, bốn mùa chỉ có tiếng thông reo và mây giăng trắng xóa.

Cả thôn nhỏ chỉ có một con đường mòn gập ghềnh chạy ngang qua xóm nghèo. Đời sống hẻo lánh tại vùng thôn bản xa bệnh viện, thuốc men khan hiếm nên rau ngải đắng chính là thứ thuốc nam mẹ tôi gieo trồng để dùng thường xuyên trong gia đình. 

Mẹ trồng một vườn ngải đắng cạnh nhà. Hằng ngày, mẹ tôi sẽ phân công cho anh em tôi thay nhau chăm bẵm tưới tắm nên luống rau bao giờ cũng xanh non. 

Trong ký ức của bản thân tôi, vườn ngải đắng của mẹ không chỉ được dùng để làm thực phẩm ăn hằng ngày mà còn trở thành phương thuốc chuyên điều trị bệnh cho gia đình tôi mà cả bà con xóm nghèo bên cạnh.

Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy vốn hiếu động với biết bao trò chơi nghịch ngợm. Không biết bao lần, chúng tôi bất chấp nắng gió đi chơi, bày trò đánh trận giả để rồi chân tay bị thương xước xát, rớm máu và những trận cảm nắng sốt cao li bì. 

Những lúc nguy cấp như thế, mẹ lại vội vã ra vườn hái ít rau ngải đắng rồi đem về sao nóng trên bếp lửa cùng ít cám gạo để chườm vết thương hoặc kết hợp thêm ít gừng sả làm nước xông cảm cho các con. 

Ngải đắng quê nhà - Ảnh 2.

Rau ngải đắng

Nhiều năm trôi qua, dù đã trưởng thành nhưng tôi vẫn chẳng thể quên được hình ảnh mẹ ngồi cạnh mép giường để chăm sóc chúng tôi khi ốm, cũng như cảm giác ấm áp khi được mẹ làm cho chiếc túi chườm ngải đắng. 

Rồi cũng chẳng rõ do túi thuốc mẹ chườm hay vì sự tận tụy mẹ dành cho chúng tôi mà chỉ sau một giấc ngủ, buổi sáng hôm sau những cơn đau đã tan biến như một phép nhiệm màu.

Nhớ nhất khoảng thời gian tôi được học bổng sang Nga du học. Khoảng thời gian đầu, thiếu thốn mọi thứ, tôi rất thèm một bữa cơm nhà với đầy đủ rau trái quê nhà. 

Tuy nhiên, ước mơ đơn thuần ấy ở nơi xứ lạ quê người, phút chốc trở nên xa xôi và viển vông. Vào một chiều xuân, khi đang lững thững đi bộ từ trường về ký túc xá sau một ngày học tập mệt nhọc, tôi chợt nhìn thấy một loài cây rất đỗi quen thuộc. 

Ven đường cạnh một ngôi nhà trắng nhỏ nằm nép mình dưới bóng thùy dương là luống rau ngải cứu xanh non mơn mởn, phảng phất mùi hương quen thuộc chốn quê nhà. Không chần chừ, tôi vội lấy chiếc túi vải nhỏ để sẵn trong ba lô ra và hái rau nhanh thoăn thoắt, với ý nghĩ hôm nay sẽ có món canh ngải cứu đậm vị quê hương cho các bạn cùng phòng. 

Đang lúc tôi miên man với kế hoạch chế biến món ăn mới thì bỗng nhiên, một giọng phụ nữ từ sau lưng vang lên dịu dàng với câu hỏi bằng tiếng Nga: "Em hái loại rau đó để làm gì? Loại rau mọc ven đường không được sạch, em vào vườn phía trong kia mà hái". 

Tôi giật mình nhìn lại, ngẩng mặt lên, chưa biết trả lời thế nào thì người phụ nữ có khuôn mặt nhân hậu rất Nga nhắc lại câu hỏi với giọng chậm rãi. Chắc bà sợ tôi chưa hiểu câu hỏi của bà. 

Khẽ bối rối, tôi chưa biết phải làm thế nào thì nghe bà nói: "Khoảng 6 năm trước, tôi đến Việt Nam du lịch và rất mê món ăn Việt. Gia đình chủ nhà nơi tôi thuê còn dạy tôi nấu món rau ngải cứu này. Bây giờ, em theo tôi vào nhà, tôi sẽ mời em món rau tôi nấu". Dẫu hơi lưỡng lự nhưng rồi tôi cũng bước vào ngôi nhà trắng giản dị của bà.

Bước vào gian phòng ấm áp, bà pha cốc trà đen mời tôi và nhanh nhẹn mở tủ lạnh lấy ra dĩa rau bà xào sẵn. Tôi khẽ khàng nếm thử món ăn đặc biệt ấy, cảm tưởng như vừa gặp lại hương vị của loại rau thân thuộc mà trước đây tôi cứ mặc định chỉ có ở Việt Nam và cũng chỉ người Việt Nam mới ăn. 

Khi tôi hỏi bà cách thức chế biến như thế nào thì bà nói rằng khi mang rau về chủ yếu sẽ rửa sạch, xào với dầu và tỏi, nêm gia vị cho đậm vị một chút. Có lẽ do trồng ở xứ lạnh nên ngải cứu ở Nga không đắng như ở Việt Nam mà tương đối ngọt, nhưng vẫn giữ được mùi hăng hăng đặc trưng. Trong bữa ăn, tôi và bà trò chuyện rất nhiều. 

Tôi kể cho bà nghe về bản thân, gia đình cũng như những khó khăn trong những ngày đầu đến nước Nga. Mãi về sau này, khi quay trở về Việt Nam, không còn được biết nhiều tin tức từ bà, tôi vẫn không thể quên được món rau ngải cứu xào đầy ân tình nơi xứ người năm nào.

Ngải đắng quê nhà - Ảnh 3.

Rau ngải

Dẫu thế, món rau ngải cứu mẹ tôi làm nơi quê nhà vẫn là món ăn gây thương nhớ nhất trong hồi ức của tôi. Những mầm rau nhỏ bé ấy được mẹ hái về thái mỏng, xào với chút mỡ và dăm ba quả trứng gà. Thoạt đầu khi mới ăn, do không quen ta sẽ phải nhăn mặt bởi vị đắng nhăng nhẳng, hăng hắc của nó. 

Nhưng khi ăn xong, ta sẽ cảm nhận vị ngòn ngọt, hương thơm dễ chịu cứ quẩn quanh nơi đầu lưỡi. Món canh rau ngải đắng không phải ai cũng biết ăn, nhưng đã ăn rồi lại mê mẩn, rồi càng ăn càng thương nhớ mãi không thôi. 

Ngải đắng là một vị thuốc đặc biệt trong Đông y, giúp cho mắt người già thêm sáng, đôi chân các mẹ các chị thêm dẻo dai và đôi má của những đứa trẻ miền sơn cước thêm phần hồng hào. Mẹ tôi thường bảo: "Đã là người miền núi thì phải biết đến món rau ngải đắng". 

Mỗi buổi chiều, trong nồi nước tắm gội mẹ đun cho cả nhà, ngoài lá bưởi, lá sả bao giờ cũng có thêm một nắm rau ngải đắng. Theo lời mẹ nói thì việc tắm gội nước rau ngải đắng sẽ giúp tinh thần của con người trở nên sảng khoái hơn, giảm bớt bệnh tật. 

Chắc cũng vì nồi nước thuốc nấu bằng các thứ lá của mẹ mà ngôi nhà gỗ nhỏ của chúng tôi lúc nào cũng phảng phất mùi thơm. Anh em tôi ai cũng lớn lên khỏe mạnh, chẳng mấy khi phải dùng đến thuốc tây.

Sau này, khi mẹ tôi đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông, anh em tôi thẫn thờ suốt nhiều tháng. Dường như một nửa trái tim và tâm hồn chúng tôi đã theo mẹ về miền mây trắng. 

Thi thoảng, có dịp quay về nhà, tôi lại đứng ngẩn ngơ giữa vườn rau ngải đắng mẹ trồng, nhớ lại biết bao yêu thương ấm áp mà mẹ đã dành cho chúng tôi suốt những năm tháng vừa qua. Ngải đắng vẫn miên man xanh, vẫn tỏa ra mùi thơm hăng hắc dễ chịu, chỉ có người ở lại mãi bạc đầu thương nhớ người đã ra đi về nơi cuối trời.

Mục Ẩm thực của Tuổi Trẻ Online mong muốn nhận được bài viết từ bạn đọc muôn phương.

Các bạn có thể gửi bài kèm ảnh hoặc video về email tto@tuoitre.com.vn, đề gửi bài mục Ẩm thực.

Bài được chọn đăng sẽ được chấm nhuận bút theo quy định chung của báo Tuổi Trẻ.

Nếu thấy bài viết này thú vị, bạn hãy thả tim và bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết.

Ngôi nhà miền cũNgôi nhà miền cũ

Thỉnh thoảng, giữa hơi men say chếnh choáng, bố tôi hay buồn kể chuyện những ngày chúng tôi ngấp nghé lên năm.

Xem thêm: mth.43293440152203202-ahn-euq-gnad-iagn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngải đắng quê nhà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools