Nguồn thu "màu mỡ" từ kinh doanh bảo hiểm
Thống kê từ Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng cho thấy, MB dẫn đầu toàn hệ thống về doanh thu từ mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm năm 2022.
Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu ngân hàng này ghi nhận tới 10.185 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, chiếm 71,5% tổng doanh thu trong mảng dịch vụ. Con số này tăng đến 68% so với năm 2021.
Trong năm, MB dành ra 5.941 tỷ đồng chi phí hoạt động ở mảng này, như vậy ngân hàng đã thu về hơn 4.000 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đóng góp tới 18% tổng lợi nhuận trước thuế.
Mảng kinh doanh bảo hiểm của MB đã tăng trưởng mạnh chỉ sau 2 năm. Theo đó, trong năm 2018 thu nhập từ mảng này chỉ đạt hơn 2.800 tỷ đồng, năm 2019 đã tăng lên hơn 4.200 tỷ đồng và tăng dần đến năm 2020 là 5.849 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng này có thể là do ngân hàng sở hữu hai công ty con là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.
Đứng kế MB về doanh thu bảo hiểm là VPBank. Trong năm 2022, ngân hàng này thu về 3.354 tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022, tăng 42% so với 2021 và chiếm đến 32% lãi từ mảng dịch vụ của ngân hàng.
Tuy không ghi nhận mức tăng mạnh như MB, nhưng nguồn thu từ bảo hiểm của VPBank cũng chuyển biến tích cực qua từng năm, năm 2018, con số này chỉ là 2.187 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chứng khoán Yuanta ước tính theo phí trả trước dựa trên một số thương vụ, đã cho rằng VPBank có thể tái đàm phán phân phối độc quyền bảo hiểm với khoản phí 8.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo đó, VPBank đã tái ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) năm ngoái, ước tính có thể thu về khoảng 8.000 tỷ đồng.
Theo công bố của VPBank, kể từ khi thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền bảo hiểm được ký kết lần đầu năm 2017, VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có doanh số mảng này cao nhất và hiện đang đứng thứ ba toàn thị trường.
Cho đến nay, hoạt động phân phối bảo hiểm AIA đã được triển khai ở hơn 250 chi nhánh của ngân hàng này.
Cũng trong năm 2022, VPBank còn hoàn tất thâu tóm Công ty cổ phần bảo hiểm OPES qua việc nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần OPES, tương đương với 87% vốn điều lệ, qua đó nâng sở hữu từ 11% vốn lên tối đa 98%.
Một số ngân hàng khác cũng có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022 là Techcombank và VIB.
Theo đó, Techcombank hiện giữ vị trí thứ 3 về doanh thu mảng này với 1.750 tỷ đồng, tăng 12% so với 2021. Techcombank đang hợp tác với Bảo hiểm Manulife từ năm 2013.
Ở vị trí tiếp theo là VIB khi thu từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm 1.303 tỷ đồng, tăng 9% so với 2021. Từ năm 2015, VIB và Prudential Việt Nam đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược lâu dài, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong thời hạn 15 năm.
Mặc dù có doanh thu bảo hiểm đứng thứ 5 toàn ngành, ghi nhận 876 tỷ đồng, nhưng nguồn thu của TPBank lại giảm nhẹ 8% so với năm trước và là đơn vị hiếm hoi chứng kiến sự sụt giảm. TPBank hiện đang phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life.
Tại các ngân hàng nhỏ, dù doanh thu kinh doanh bảo hiểm khiêm tốn nhưng tốc độ tăng trưởng lại mạnh hơn các nhà băng lớn. Theo đó, tại PGBank đã thu về 33 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm năm 2022, tăng trưởng mạnh đến hơn 310% so với năm trước đó.
Đứng thứ 2 về mức độ tăng trưởng doanh thu mảng này, SeABank cũng có mức tăng đến hơn 114%, ghi nhận 553 tỷ đồng.
Tại Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng từng có doanh thu bảo hiểm cao nhưng lại không thuyết minh, công bố cụ thể về mục này trong năm 2022. Năm 2021, VietinBank, BIDV, Sacombank, HDBank, OCB là những có doanh thu cao nhất từ bảo hiểm.
Tuy nhiên, trong năm 2022, VietinBank và Manulife đã công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với phí trả trước khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm.
Chứng khoán KBSV ước tính, chỉ trong quý I/2022, VietinBank có thể ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả trước bancassurance.
Còn tại HDBank, tuy chưa có hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm, nhưng cũng ghi nhận doanh số hàng nghìn tỷ đồng từ mảng này.
Ngân hàng không tiết lộ con số doanh thu cụ thể trong năm 2022, nhưng tại Báo cáo kiểm toán giữa niên độ, hoạt động môi giới bảo hiểm đã đem về cho HDBank hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ 2021.
Hiện tượng "ép" khách hàng mua bảo hiểm tại TCTD
Câu chuyện về ngân hàng kinh doanh bảo hiểm trở nên được quan tâm trong thời gian qua khi ột số phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phản ánh hiện tượng một số tổ chức tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn.
Theo thông báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng nói trên có thể tăng lãi suất/"ép" khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy hợp đồng bảo hiểm, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…
Ngoài ra, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, thuộc Bộ Tài chính cũng cho biết, đơn vị này đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.
Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong năm nay, Bộ này sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.