Nhiều hàng hóa giá cả ổn định
Trong kỳ điều hành mới đây, giá xăng dầu đã giảm nhẹ, giảm phần nào nỗi lo giá mặt hàng quan trọng là đầu vào của nền kinh tế tăng liên tục thời gian qua. Tuy nhiên, giá xăng hiện vẫn đứng ở mức cao và dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới cũng là một trong những yếu tố gây áp lực lên lạm phát những tháng đầu năm.
Trái chiều với diễn biến tăng của giá xăng, giá gas, giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Qua khảo sát, giá lợn hơi ngày 23/2 tại miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá thấp. Trong ngày này, thị trường lợn hơi tại miền Bắc giảm cao nhất 2.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc điều chỉnh giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg còn 49.000 đồng/kg. Giá thịt lợn trên thị trường hiện vẫn ổn định ở mức thấp.
Thời điểm hiện nay, thời tiết đang thuận lợi, nhiều loại rau đang vào mùa nên các loại rau ăn lá, rau gia vị sản lượng dồi dào, mức giá bán buôn giảm từ 5 - 10%, nên giá bán lẻ trực tiếp cũng nhanh chóng giảm theo.
Giá cả ổn định, hàng hóa dồi dào là do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch khai thác, dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa, tính cả lượng tồn kho hợp lý phục vụ sau Tết. Bên cạnh đó, thời tiết tháng đầu năm 2023 thuận lợi, tình hình chăn nuôi ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát nên nguồn cung các mặt hàng nông sản dồi dào, giá ổn định, không tăng giá đột biến.
Trong kiến nghị của cử tri một số địa phương gần đây lo ngại giá cả sẽ biến động và tăng theo lương (dự kiến tăng từ 1/7/2023). Cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng "lương chưa tăng nhưng giá cả đã tăng trước" và kiến nghị, để tránh làm tăng thêm gánh nặng cho người lao động, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực để bình ổn giá cả thị trường; ổn định cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đang ổn định, thậm chí giảm so với thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Chính phủ cần có các biện pháp thiết thực để ổn định giá cả thị trường và ổn định cuộc sống nhân dân
Không quá lo ngại lạm phát cao trong năm 2023
Các kịch bản lạm phát Việt Nam năm nay dự báo dao động từ 3,8-5%. Có những dự đoán mang tính chất bi quan thì cho rằng, các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.
Năm ngoái, CPI của Việt Nam ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các nước trong khu vực là 7,85%, còn các nước phát triển có thời điểm lạm phát đạt đến hai con số. Theo các chuyên gia, lạm phát năm nay sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển. Hay nói cách khác, lạm phát tại các nước phát triển qua đỉnh và giờ đến lượt các nước đang phát triển tìm đỉnh.
PGS. TS Phạm Thế Anh - giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, CPI tăng từng tháng gây nên những quan ngại. Tuy nhiên, ông dự báo lạm phát tháng 1 có thể đã là đỉnh và xu hướng sẽ giảm dần từ tháng 2, sau đó chững lại quanh mức 3-3,5%. Có ý kiến cho rằng, CPI sẽ được kiểm soát tốt trong khoảng 3-4,5% và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm nay.
Lạc quan hơn, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023, có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát, như: nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến lạm phát khó có thể tăng mạnh. Bên cạnh đó, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã rời khỏi cuộc đua tăng lãi suất. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm.
“Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp” - vị chuyên gia này nhận định.
Bộ Tài chính cho rằng, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, đặc biệt trước thông tin tăng lương cơ sở, cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó, cần sự vào cuộc của Cục Quản lý thị trường và các địa phương trong việc quản lý giá hàng hóa.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường. Đồng thời, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giả; công khai thông tin về giá.
Xem thêm: lmth.280505-gnaht-oel-ad-aig-gnat-auhc-gnoul-gnart-hnit-hnart-yl-nauq-tahc-teis/hnaod-hnik/nv.ylgnoc