Gần nửa thế kỷ tồn tại, hàng cây vẫn xanh mướt nhưng chẳng mấy ai biết lịch sử thế nào, và vẫn còn tỏa bóng mát là nhờ tình yêu thiên nhiên của dân làng.
Hàng cây sau ngày thống nhất
Lần tìm gốc tích tạo nên sự nổi tiếng của bóng cây khổng lồ, chúng tôi gặp được những người 50 năm trước trồng hàng cây kéo dài hơn 1km này. Câu chuyện của họ là một phần của lịch sử và mong ước cho tương lai.
Đi theo quốc lộ 1 hướng Bắc - Nam đoạn qua huyện Hải Lăng sẽ nhìn thấy ngã ba mà một bên trơ trụi vài cây nhỏ lơ thơ, một bên hàng cây xanh khổng lồ tỏa bóng xanh rợp mát che khuất cả ánh nắng. Suốt tuyến đường hơn 1km, hàng cây xà cừ đứng trầm mặc bên con kênh thủy lợi và ruộng lúa. Chúng tôi gặp bà Ngàn đã gần 60 tuổi. Nhà bà bình yên bên hàng cây, đang được sửa chữa để trở thành quán cà phê phục vụ khách dừng chân chụp hình.
Đã cao tuổi, nhưng bà Ngàn cũng không thể nhớ chính xác thời điểm hàng cây được trồng. Bà chỉ nhớ hồi nhỏ thì thấy các cô chú trong làng trồng cây. Bà Ngàn quả quyết chẳng còn mấy người biết đến sự tích trồng hàng cây này bởi đa số đã qua đời, những người còn lại cũng đã lớn tuổi rồi. "Thử ra làng tìm chú Quả, chú trước làm hợp tác xã chắc biết", bà vui vẻ nói.
Nhà ông Quả nằm đầu tuyến đường, phía trước ngôi nhà có khoảnh sân rộng rãi trồng cây kiểng và một cây xà cừ ba người ôm không xuể. 85 tuổi, ký ức một thời của ông làm chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại An Khê được chắp nối lại dưới sự hỗ trợ của người con. "Hồi đó, tôi nhận cây từ Lâm trường Triệu Hải mang về trồng để có bóng mát vì khu vực này bị bom mìn cày nát, trơ trọi và nóng lắm", ông Quả kể.
Người con dâu ngồi bên cạnh cố mở "hộp ký ức" của cha bằng cách dẫn dắt lời kể: "Thế cha nhớ hồi đó vì răng mà nhận cây về trồng, rồi cha có trồng không?". Dừng hồi lâu, ông Quả nói: "Có chứ răng không".
Rồi ông kể nhiệm vụ trồng cây xanh tạo bóng mát trở thành phong trào lớn sau ngày đất nước thống nhất. Ông đại diện hợp tác xã đi nhận cây về giao cho những người lớn tuổi trong làng, mỗi người trồng và chăm sóc một cây. Thời đó, cây xanh rất quý, trồng xong phải làm tấm mành bao quanh cho trâu bò khỏi phá, chiều lại người làng múc từng gàu nước tưới, chăm cây như con mọn.
Người con dâu thấy cha khó nhọc chắp nối quá khứ, bảo rằng ngay cả con cháu trong nhà cũng không ai biết rõ hàng cây cổ thụ này, chỉ còn ông biết. "Tôi nghĩ đó là ký ức đẹp của cha, giờ cha hay kể nhưng không đầu không cuối thương lắm", người con dâu nói. Bất ngờ ông Quả dặn dò: "Các anh phải tìm hiểu ghi chép lại, ít hôm chúng tôi qua đời là cây còn mà câu chuyện không còn, sẽ tội cho con cháu".
Đúng thật, nếu không lưu giữ câu chuyện lại, hàng cây vẫn ở đó mà hồn cây sẽ không còn. Ông Quả nhắc đến mấy cái tên và bảo chúng tôi đi hỏi chuyện. Nhưng khi tìm nhà thì hầu hết đã mất.
May mắn chúng tôi gặp được cựu binh Đào Đức Hiền (74 tuổi), người lính từng tham gia trận đánh ác liệt ở thành cổ năm xưa, bảo: "Tôi rời ngũ năm 1982 về thì hàng cây đã có bóng mát rồi. Người cuối cùng biết rõ là ông Đào Bá Viêm, phó giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đại An Khê, thời đó chấm công ở hợp tác xã. Hàng cây vẫn đang được hợp tác xã quản lý".
Cho thế hệ mai sau
Hẹn mãi mới gặp được ông Viêm ở TP Đông Hà, ông Viêm nói hàng cây được trồng năm 1978, được chăm sóc rất kỹ. Với ông Viêm, đó là cả một trời thương nhớ cũ của vùng đất này. Ông Viêm bảo rất ít người biết lịch sử hàng cây xà cừ lâu năm này bởi trồng làm bóng mát, không ai nghĩ một ngày nó lại nổi tiếng đến vậy.
Chừng chục năm qua, khi người đến check-in nhiều, hàng cây được mạng xã hội lan đi với tốc độ chóng mặt. Những mỹ từ "con đường Hàn Quốc; con đường đẹp nhất Quảng Trị..." được dân mạng tôn vinh. Rồi những đoàn khách được giới lữ hành chở đến tham quan, ông Viêm càng hiểu hàng cây không chỉ có giá trị lưu giữ quá khứ của làng mà còn trở thành điểm đến có thể làm du lịch.
Bên tán cây, ngôi làng Đại An Khê bình yên được tham quan nhiều hơn và những hàng chè tàu phủ khắp làng cũng "ăn theo" trở thành nơi du khách thăm thú. Thời đại làm nông nghiệp kết hợp du lịch đang nở rộ và trở thành hướng phát triển của tương lai, ông Viêm cũng hy vọng hàng cây xà cừ sẽ "nâng cấp" ngôi làng bình yên nổi tiếng với nghề làm bánh tét mặt trăng truyền thống này.
Hàng cây xanh gây thương nhớ cho bao du khách của hôm nay cũng khiến ông Viêm nhớ lại thời điểm chúng "xém bị khai tử" khi năm 2004 đơn vị quản lý đường bộ quyết định đốn hạ để bảo đảm an toàn cho phương tiện. "Khi xe cơ giới đốn hạ vài cây phía đầu đường giáp quốc lộ 1, người dân ra chặn, rồi chính quyền địa phương phải tổ chức họp dân. Bà con có nguyện vọng giữ hàng cây, yêu cầu không chặt bỏ", ông Viêm kể.
Hàng xà cừ được cứu từ tấm lòng của người Đại An Khê. Nhưng để giữ hàng cây tỏa bóng, gần 20 năm qua, hợp tác xã và UBND xã Hải Thượng mỗi năm bỏ kinh phí 10 triệu đồng để chặt tỉa cành mỗi khi mùa mưa bão đến. Dĩ nhiên, bây giờ hàng cây quá nổi tiếng này không ai đụng vào được nữa và vẫn còn khoảng 200 cây đang tỏa bóng xanh mát tuyến đường.
Sản phẩm du lịch xanh
Mùa này, cây đang thay lá, những chiếc lá cỗi già rơi rụng được thay thế bởi chồi xanh. Với nhiều du khách, đây là mùa đẹp nhất của con đường. Vì thế nhiều người đã tìm đến check-in. Những người đi xe máy từ các tỉnh vào lại TP.HCM làm việc sau Tết cũng ghé qua chụp hình.
Người làng Đại An Khê bảo cái thời trồng cây tạo bóng mát sau ngày thống nhất đã lùi đi, bây giờ hàng cây sẽ có một sứ mệnh khác. Như Hợp tác xã nông nghiệp Đại An Khê không còn đơn thuần nhiệm vụ chấm công, dẫn nước tưới tiêu nữa mà sẽ dần dịch chuyển sang làm du lịch trải nghiệm.
TTO - Hàng loạt cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP.HCM) đã trổ lá non sau khi bị sâu ăn lá có kích thước 5cm tấn công khiến nhiều cây trụi lá đứng trước nguy cơ chết héo trước đó.
Xem thêm: mth.80010301172203202-ohn-gnouht-hnax-yac-gnah/nv.ertiout