Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa công bố, trong kỳ này, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn (Tiên Sơn, mã cổ phiếu: AAT) ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế 1,369 tỷ đồng, tăng gần 30% so với mức 1,064 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Theo đó, trong kỳ này, Tiên Sơn bất ngờ ghi nhận doanh thu từ hoạt động thương mại tăng đột biến lên tới hơn 800% so với cùng kỳ. Nguồn thu này được cho là tới từ hoạt động nhượng bán các nhà máy may của Tiên Sơn cho các đối tác.
Trái ngược với nguồn thu khả quan từ hoạt động thương mại, trong kỳ Tiên Sơn ghi nhận tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở mảng gia công do tình hình chung của ngành, đơn hàng giảm sút. Đồng thời, trong kỳ Tiên Sơn cũng ghi nhận chi phí giá vốn hoạt động gia công và chi phí tài chính tăng gần 160% so với cùng kỳ.
Điều này được Tiên Sơn lý giải trong giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do trong kỳ Tiên Sơn chịu áp lực tài chính lớn từ việc xây dựng 2 nhà máy may Quý Lộc và Sơn Hà.
Nhìn chung, trong kỳ này doanh thu từ hoạt động thương mại đã kéo các chỉ số kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tiên Sơn tốt hơn nhiều so với cùng kỳ.
Theo đó, trong kỳ, Tiên Sơn ghi nhận tổng doanh thu đạt 269 tỷ đồng tăng gần 300% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong đó giá vốn chiếm tới 253,7 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp trong quý chỉ đạt hơn 15 tỷ đồng. Đồng thời, trong kỳ Tiên Sơn cũng ghi nhận chi phí tài chính hơn 7 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ, cùng các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng đều tăng, khiến lợi nhuận thuần của doanh nghiệp này còn vỏn vẹn hơn 1,4 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính quý IV/2022, tính tới hết ngày 31/12/2022, Tiên Sơn ghi nhận tổng tài sản hơn 1.056 tỷ đồng, tăng khoảng 80 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận 447,2 tỷ đồng, chiếm hơn 45% trong cơ cấu tài sản của Tiên Sơn. Đáng chú ý, trong tài sản ngắn hạn khoản mục các khoản phải thu ghi nhận 414 tỷ đồng, cụ thể khoản trả trước cho người bán chiếm hơn 239 tỷ đồng; khoản phải thu khách hàng hơn 118 tỷ đồng; phải thu cho vay ngắn hạn gần 37 tỷ đồng; còn lại là các khoản phải thu khác hơn 19,4 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, Tiên Sơn đang để cho các đối tác "chiếm dụng" khoản vốn rất lớn.
Về tài sản dài hạn, trong hơn 600 tỷ khoản mục này thì chiếm phần lớn là các khoản bất động sản đầu tư 272 tỷ đồng; tài sản cố định 180 tỷ đồng; phải thu dài hạn khác 66 tỷ; đầu tư công ty liên kết hơn 67 tỷ đồng;...
Về nguồn vốn, tính tới thời điểm trên, Tiên Sơn ghi nhận hơn 317 tỷ đồng nợ, trong đó nợ ngắn hạn 135 tỷ, chủ yếu là nợ thuế 24 tỷ đồng; nợ thuê tài chính ngắn hạn 95,9 tỷ đồng,... Phía nợ dài hạn chủ yếu là khoản nợ và thuê tài chính dài hạn hơn 136 tỷ đồng; phải trả dài hạn khác hơn 45 tỷ đồng;...
Trong kỳ, Tiên Sơn cũng ghi nhận vốn chủ sở hữu đạt 739,9 tỷ đồng, tăng khoảng 70 tỷ so với đầu năm. Sự thay đổi này chủ yếu tới từ khoản lợi nhuận chưa phân phối trong năm 2022.
Tính tới cuối quý IV/2022, Tiên Sơn có phát sinh giao dịch với 6 đối tác là các bên liên quan. Trong đó, các khoản trả trước cho nhà cung cấp là bên liên quan số tiền hơn 175 tỷ đồng; phải thu khách hàng là bên liên quan hơn 9 tỷ đồng; phát sinh giao dịch mua với bên liên quan 19 tỷ đồng,...
Tại các bên liên quan, ông Trịnh Xuân Lâm (Chủ tịch HĐQT) và nhiều thành viên gia đình nắm giữ lượng lớn cổ phần chi phối các công ty này. Cụ thể, Công ty Cổ phần may Tastu vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Lâm sở hữu 90% cổ phần; Công ty Cổ phần Lương Phát vốn điều lệ 160 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Lượng nắm 50,97% cổ phần, Tập đoàn Tiên Sơn nắm 42,08%; Công ty CP Great Vina vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Dương nắm 60% cổ phần; Công ty CP DG Win Việt Nam vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Dương nắm 96,4% cổ phần; Công ty CP Tiên Sơn Nga Sơn vốn điều lệ 10 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Lâm nắm 60% cổ phần, còn lại Trịnh Xuân Lượng và Trịnh Văn Dương mỗi người nắm 20% cổ phần.
Trước đó, tại đại hội cổ đông công ty Tiên Sơn tháng 4/2022, đã thống nhất quyết nghị phương án tiếp tục phát hành 65 triệu cổ phần, tăng gấp đôi quy mô vốn điều lệ hiện tại dự kiến thực hiện trong năm 2022, hoặc có thể kéo dài tới quý I/2023.
Theo đó, đại hội thống nhất phát hành 65 triệu cổ phiếu AAT, giá phát hành 10.000/cp, với tổng trị giá 650 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ công ty lên 1.288 tỷ đồng bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, tới thời điểm này tham vọng tăng vốn điều lệ lên trên 1.000 tỷ đồng của Tiên Sơn vẫn chưa thể thực hiện được.
Việt Phương