Chân dung BLV Hoài Sơn từ bài viết trên "Những nhà báo thể thao mà tôi nhớ" của nhà báo Nguyễn Lưu. |
BLV bóng đá Hoài Sơn tên đầy đủ là Lê Hoài Sơn. Ông sinh năm 1945, nổi tiếng với vai trò BLV bóng đá trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Báo Pháp Luật TP.HCM xin phép được trích đăng nguyên văn bài viết của nhà báo Nguyễn Lưu viết về BLV Hoài Sơn, trong cuốn “Những nhà báo thể thao mà tôi nhớ” do ông chấp bút.
Lê Hoài Sơn kém tôi hai tuổi, nhưng anh vào nghề thể thao chuyên nghiệp sớm hơn tôi. Hoài Sơn là sinh viên khóa 1 trường Từ Sơn, khoa Bóng đá, cùng lớp với các anh Trần Duy Ly, Vũ Văn Viên, Kim Sơn…
Còn tôi, tuy từng là thành viên đội tuyển quốc gia môn bóng rổ, song sau đó là cán bộ giảng dạy đại học, từng nhiều phen háo hức nghe anh tường thuật bóng đá. Tốt nghiệp trường Đại học Từ Sơn, về công tác tại Tổng cục TDTT cho đến bây giờ. Sau khi là Phó văn phòng, Hoài Sơn đã được đề bạt là Tổng biên tập Tạp chí thể thao (trực thuộc Ủy ban TDTT).
Trên sóng radio Vietnam ở thập niên 60, Hoài Sơn nổi tiếng như cồn. Anh có cơ may khi là đệ tử ruột của cụ Thu “râu”, ông chú rể của anh và là BLV thể thao xuất sắc một thời. Đến giờ, tôi và nhiều bạn vẫn không sao quên câu nói bất hủ của cụ Thu “râu” khi cụ gào lớn trên sóng: “Vào rồi…không, không vào các bạn ạ!”.
Những ấn tượng và bài học này, Hoài Sơn đã mang theo suốt cả cuộc đời, trong tư thế của một nhà thể thao chính hiệu. Ngày nào, ta có thể nghe Hoài Sơn tường thuật mà hấp dẫn đến quên sự đời. Giọng ấm và khỏe, anh nắm chắc trận đấu và sơ đồ chiến thuật của đôi bên, phản ứng nhanh trên sóng và biết tìm ngay những từ ngữ chuẩn xác để thể hiện lời bình. Ngày chưa có tivi, tôi từng chứng kiến nhiều fan nghe Hoài Sơn rồi giở sổ ghi tên, xếp đội hình. Họ theo dõi bằng “tai” và ghi chép trên giấy trắng. Ngày xưa là thế đấy!
Hoài Sơn từng để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Khi cộng tác với radio Vietnam, tờ báo nói ấy đã giúp bạn nghe đài cả nước biết “mọi chuyện” về thể thao qua mục điểm tin hàng tuần do anh sáng lập và anh đã kéo theo mấy “đàn em” như Đình Khải, Xuân Bách. Người ta biết về Hoài Sơn qua bóng đá không chỉ trong vai diễn phim “Phút thứ 89” của Vũ Bão mà còn là chuyện “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”.
Anh tường thuật trận Hải Phòng - Thể Công rất hay và bình luận sát sạt pha Việt “hói” phạm lỗi nhận thẻ đỏ. Anh tả Hùng “xồm” đi bóng vào sân Thể Công như vào chỗ không người. Anh kể cái kiểu đá xoắn vỏ đỗ mà Ba Đẻn xử lý trên chấm phạt đền, như thể người ta tâm sự cùng nhau trên bộ sa-lon cổ, vì cái chất cổ điển trong diễn từ.
Lần khác, anh lại tâm đắc lời khâm phục trước kỹ thuật bậc thầy của cầu thủ dầu lửa Petrolun... Hoài Sơn đã bày tỏ nhận thức của mình ở địa hạt bóng đá thông qua mỗi trận đấu cụ thể bằng những sắc thái khác nhau của ngôn ngữ, lúc ngâm ngợi êm ả, khi tăng tốc theo bước chân những cầu thủ tấn công và lúc cao trào, anh có thể gào, quát hay hô vang lời mừng với sự say sưa đến hết mình. Tôi nhất quyết cho rằng, nếu giờ này mà anh có trở lại với chiếc micro trong gian buồng nhỏ trên gác cao năm xưa, Hoài Sơn vẫn là số 1.
Một ngày mùa thu, tôi và anh em bạn đi sưu tầm văn hóa dân gian Ê-đê đang ngồi ở rừng cao su Tây Nguyên, nghe anh Hoài Sơn tường thuật trận chung kết bóng đá toàn quốc giữa cặp kỳ phùng Thể Công – Công an Hà Nội. Đây là một trận đấu kinh điển, rất xuất sắc, may thay nó đã được tường thuật một cách cũng rất xuất sắc.
Tôi nhớ rằng, chỉ vài phút ngay sau khi Thể Công bị trọng tài thổi còi phạt đền, tôi và cả nhóm bạn trẻ đã giật bắn người và hồi hộp đến nghẹt thở khi nghe tiếng Hoài Sơn gào: “Đội Thể Công thay thủ môn, thưa các bạn, đội Thể Công đã thay thủ môn”.
Thời khắc hy hữu ấy của trận đấu đã diễn ra thật lạnh lẽo, thứ lạnh lẽo vốn chỉ có ở tư duy con người, song đó mới là vẻ đẹp của sân cỏ. Tôi vẫn nghe tiếp để biết rằng, khi cựu thủ môn Trần Văn Khánh xuất hiện, vô hiệu hóa quả penalty do Lê Văn Đặng thực hiện, chiếc loa phóng thanh nhỏ bé trong cassette của bọn tôi như muốn nổ tung, để đến hôm nay, đã nhiều năm đi qua mà ấn tượng về sự bùng nổ ấy vẫn nguyên giá trị.
Hoài Sơn còn tham gia nhiều công tác khác, từ việc soạn thảo công văn cho đến các đợt công tác gần xa, hướng dẫn các cộng tác viên, giúp triển khai các đại hội thể thao cấp cơ sở… và viết báo, đăng đàn bình luận World Cup hay Euro. Song đối với tôi, anh luôn là một định danh có giá trị ở địa hạt sở trường của mình, mà khó có một ai đủ sức qua mặt!