Yêu cầu đảm bảo ổn định lâu dài tuyến đê biển Đông
Ngày 27-2, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp ký công văn gửi UBND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu khẩn trương xử lý sự cố sạt lở đê biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng).
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn yêu cầu UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo khẩn trương huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý, gia cố ngay đoạn đê bị sạt lở theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), không để sự cố phát triển thêm.
Đồng thời xác định đoạn đê biển Đông khu vực xảy ra sự cố là trọng điểm đê điều xung yếu năm 2023, từ đó khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm.
Một đoạn đê biển Đông dài 46m thuộc khu vực nêu trên đã bị sạt lở xuống biển. Nguyên nhân được xác định là do rừng phòng hộ trước đê không còn, trong khi nước triều dâng cao cộng với sóng to, gió mạnh đã gây ra vụ sạt lở đê.
Hiện lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu đã khoanh vùng, cảnh báo nguy hiểm và thực hiện các giải pháp gia cố trước mắt.
Phát hiện 72 vụ, 255 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, trong tháng 2-2023, lực lượng công an đã tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Trong tháng công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện 72 vụ, 255 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ.
Phát hiện 325 vụ, 427 cá nhân, 3 tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 14 vụ buôn lậu, 174 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm...
Phát hiện 1.558 vụ, 2.446 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 16,37 kg heroin, hơn 155 kg và 56.286 viên ma túy tổng hợp, 17,26 kg cần sa…
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Việt Nam phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu 500.000 hecta điều tại Campuchia
Tại Hội nghị điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 12 diễn ra ngày 27-2, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã ký hợp tác với Hiệp hội Điều Campuchia.
Đại diện Vinacas cho biết qua ký kết, Campuchia cam kết duy trì xuất sang Việt Nam 80-90% sản lượng điều thô của nước này hằng năm, cải thiện chất lượng điều. Theo Vinacas, đơn vị đang và sẽ phối hợp với phía Campuchia xây dựng vùng nguyên liệu 500.000ha điều tại quốc gia này để đảm bảo cung cấp ổn định điều thô cho Việt Nam.
"Nguồn cung điều thô trong nước hiện chỉ đạt trên dưới 350.000 tấn/năm, vùng nguyên liệu không được mở rộng nên Việt Nam đang phải nhập khẩu lượng lớn điều thô từ nhiều quốc gia. Với khoảng cách gần, nhập điều từ Campuchia sẽ giúp tiết giảm nhiều chi phí so với từ châu Phi, và dễ kiểm soát chất lượng sản phẩm hơn", đại diện Vinacas nhận định.
Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều phối tổng thể dự án vành đai 4 TP.HCM
Nội dung được đề cập trong báo cáo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi UBND TP.HCM, về triển khai các dự án trọng điểm kết nối Đông Nam Bộ, trong đó có dự án đường vành đai 4 TP.HCM.
Dự án vành đai 4 TP.HCM dài gần 198km sẽ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Trong đó, TP.HCM sẽ làm cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn dài 17km, Bình Dương 49km, Long An 71km, Đồng Nai 41km và Bà Rịa - Vũng Tàu 18km.
Hiện các địa phương đang nỗ lực để trình chủ trương đầu tư vào tháng 5-2023, khởi công vào quý 4-2024 và thông xe kỹ thuật vào năm 2027.
Về cơ chế vốn cho dự án, Sở Giao thông vận tải TP đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương và cơ chế về sự tham gia vốn của ngân sách Trung ương cho các dự án đường vành đai 4 TP.HCM.
Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến.
Phạt cơ sở vỗ béo trâu bò bằng chất cấm Salbutamol
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-2, ông Nguyễn Đình Xuân - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Ninh, cho biết UBND tỉnh Tây Ninh vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở sử dụng chất cấm (Salbutamol) trong chăn nuôi (cơ sở tại xã Thạnh Tây và xã Hòa Thạnh huyện Tân Biên) với số tiền 55 triệu đồng/cơ sở.
Theo đó, trong đợt kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định pháp luật đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh trâu bò, cơ quan chức năng phát hiện thức ăn chăn nuôi tại 2 cơ sở nêu trên có chứa chất Salbutamol (mua trôi nổi trên thị trường, chất cấm sau khi mua về được trộn vào thức ăn nhằm vỗ béo nhanh trâu bò, sau đó xuất bán).
Salbutamol (còn gọi là chất tạo nạc) là chất cấm, khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Chất này được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa nên tồn dư trong thực phẩm bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu.
Người Việt ưa dùng thịt heo, gà, bò, cá
Theo khảo sát của MLA, tổ chức nghiên cứu phát triển thị trường cho ngành công nghiệp thịt đỏ Úc, khẩu vị người Việt vẫn ưa thích thịt heo (31%), gà (15%), bò 4%, cá...
Thực đơn chủ yếu là cá, thịt heo, gà, nhưng MLA cho rằng tần suất tiêu thụ thịt bò của người Việt vào loại cao trong khu vực Đông Nam Á. Sau dịch bệnh vừa qua, người tiêu dùng yêu cầu cao hơn về sản phẩm (tăng cường đề kháng, không có thành phần có hại cho sức khỏe...).
Tổng trị giá thịt đỏ và nội tạng và gia súc từ Úc xuất khẩu sang Việt Nam giai đoạn 2021-2022 là 306 triệu đô la Úc.
Cử tri tỉnh Tây Ninh đề nghị nghiên cứu tạo cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng, cho phép khắc phục hậu quả sai phạm… để thúc đẩy họ tố cáo, tố giác, tạo hiệu ứng răn đe để cán bộ, công chức không dám tham nhũng.