Cuối năm ngoái, cả mạng xã hội đòi tẩy chay một TikToker chuyên chửi bậy, nói những từ ngữ khó nghe và làm nội dung bẩn để review quán ăn.
Bài trừ nội dung bẩn
Một thời gian sau, lại tiếp tục xuất hiện câu chuyện TikToker đình đám chửi bậy để bán hàng trên livestream. Gần đây nhất lại thêm một TikToker báng bổ văn hóa, xúc phạm tôn giáo để video của mình nổi tiếng.
Những hiện tượng này không còn ở mức độ "giỡn xíu cho vui" nữa mà nó đã và đang hình thành những lối nghĩ, nhận thức tiêu cực, lệch lạc trong giới trẻ.
Thiết nghĩ cần xử lý nghiêm để răn đe các hành vi gây rối trật tự trên mạng xã hội, siết chặt vai trò và trách nhiệm từ phía các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, người dùng cần tỉnh táo để chọn lọc nội dung sạch, lựa chọn quyền lực cao nhất của một khán giả đó là tẩy chay những gã Chí Phèo chửi bậy, tạo rác trên mạng để nổi tiếng.
Nói với Tuổi Trẻ Online, TikToker Nhân Đi Ăn khẳng định những vụ việc nêu trên đều đáng bị bài trừ. "Thời buổi mà công nghệ lên ngôi như hiện nay, hầu như tất cả mọi người đều có cơ hội tiếp xúc với điện thoại hay các trang mạng xã hội, bất kể độ tuổi hay hoàn cảnh nào.
Thế nên việc chửi bậy trên mạng dễ gây ảnh hưởng đến người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em, học sinh dễ bắt chước theo từ khi còn nhỏ.
Đối với bạn, nó có thể là một câu nói bông đùa hết sức bình thường, nhưng đối với các bậc phụ huynh cũng như thầy cô sẽ là khó khăn lớn trong việc dạy dỗ, thay đổi thói quen lẫn tư duy của các em".
Cần có "hạnh kiểm công dân số"?
PGS.TS Trần Thành Nam thông tin với Tuổi Trẻ Online rằng theo kết quả khảo sát tháng 12-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự báo cáo rằng mình thường xuyên nói tục chửi bậy.
Tuy nhiên, có lẽ tỉ lệ này chỉ là phần nổi của tảng băng. Vậy làm thế nào để giáo dục giới trẻ hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu trong đời thực và trên mạng xã hội?
PGS.TS Trần Thành Nam đưa ra giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất, thuộc về phía gia đình. Theo ông, bố mẹ cần tự học những cách thức giải tỏa cảm xúc tiêu cực như tức giận để sau đó dạy con dùng ngôn ngữ thân thiện thay vì chửi bậy trong những tình huống khó chịu.
"Cha mẹ phải chỉ rõ cho trẻ biết việc chửi thề cũng là một dạng bắt nạt bằng ngôn ngữ, và có thể phạm luật nếu lăng nhục người khác. Giúp con phân tích lợi hại của việc dùng ngôn ngữ không phù hợp trên mạng xã hội. Những gì con viết ra sẽ tồn tại mãi và sẽ bị đánh giá sau này do người khác hiểu lời nói của con phản ánh nhân cách của con".
Sau cùng, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng với vấn đề nói tục chửi bậy trên mạng xã hội, chúng ta có thể tận dụng sức mạnh công nghệ để đánh giá "hạnh kiểm công dân số".
Tất cả các hành vi không đúng mực của một cá nhân thể hiện trên mạng xã hội (như nói tục chửi bậy, tung tin giả, tin thù địch và gây hấn) cũng như được ghi lại qua các hệ thống giám sát tự động (như vi phạm luật giao thông, vượt đèn đỏ) sẽ được sử dụng để xếp hạng hạnh kiểm công dân, từ đó những người không có hành vi đúng mực sẽ bị mất một số quyền lợi do chính phủ mang lại.
Các "máy chửi" được o bế?
Mới đây, thông tin CEO TikTok sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, tác động đối với trẻ em và mối quan hệ với Chính phủ Trung Quốc vào ngày 23-3 nhận được nhiều sự quan tâm.
Từ đây, nhiều người đặt nghi vấn về tính minh bạch của những nền tảng mạng xã hội chứa các video "bẩn". Họ cho rằng việc các tài khoản mạng xã hội hiện nay có xu hướng hiển thị nhiều nội dung tiêu cực, lệch chuẩn và việc các nền tảng này bị điều tra không chỉ là trùng hợp.
TikToker Trương Quốc Anh từng đăng tải một video bàn luận về việc liệu có phải những nội dung bẩn đang được các nền tảng mạng xã hội o bế để được nhiều người xem hơn.
Người này nói: "Một người bạn của tôi bên Trung Quốc đã nói với tôi rằng thuật toán tại Trung Quốc khác với những thuật toán ở các quốc gia khác. Nếu như ở Trung Quốc, những đề xuất video gắn với những gương người tốt, việc tốt, vượt khó, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại đi đến thành công.
Còn thuật toán ở những nước khác lại đề xuất những video văng tục, chửi thề, đánh nhau. Nhiều quốc gia hiện nay đang và sẽ cấm nền tảng TikTok hoạt động vì cho rằng muốn một đất nước suy yếu thì không có gì hơn chuyện "đánh" vào giới trẻ, bởi thế hệ trẻ là tương lai của đất nước.
Khi những lệch chuẩn của đạo đức lên ngôi, người trẻ tiếp thu được thì là một hệ lụy khôn lường của đất nước" - TikToker Trương Quốc Anh chia sẻ trên trang cá nhân có 1,3 triệu người theo dõi.
Bạn nghĩ gì về một số hiện tượng dùng mạng xã hội để hằng ngày chửi bậy nói trên?
Các bạn có thể gửi ý kiến về email tto@tuoitre.com.vn.
Nếu thấy bài viết này thú vị, bạn hãy thả tim và bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết.
TTO - Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt nhóm thanh niên dùng tài khoản TikTok đăng video clip sai sự thật, bôi xấu du lịch Đà Lạt.
Xem thêm: mth.52380531132203202-gnohk-coud-car-nod-gnam-ioht-iuhc-yam-iac-gnuhn/nv.ertiout