Ngày 28-2, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Tại phiên giải trình, Thường trực Uỷ ban Kinh tế đánh giá thị trường xăng dầu trong nước trải qua hai loại biến động: biến động về giá và biến động do thiếu hụt nguồn cung.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh |
Trong đó, biến động về giá có nguyên nhân từ giá thế giới tăng cao. Dù xăng dầu thành phẩm nhập khẩu chỉ chiếm 20-30% nhu cầu nội địa nhưng "đầu vào" sản xuất của hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu thô từ nước ngoài.
Về nguồn cung, nếu giai đoạn đầu năm 2022 bị thiếu hụt do năng lực sản xuất trong nước thì đến tháng 10 và 11-2022, nguồn cung lại gặp khó khăn do cơ chế quản lý. Tổng nguồn xăng dầu là 18,6 triệu tấn, đạt khoảng 90% nhu cầu tiêu dùng cả năm, tức có đủ, nhưng các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối lại hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra vì giá trần bán lẻ không đủ bảo đảm chi phí.
Theo Uỷ ban Kinh tế, do chưa có hệ thống kho, xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn phải bảo quản chung với xăng dầu thương mại của doanh nghiệp, khó tách bạch được giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bởi vậy, còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm về bảo đảm mức dự trữ bắt buộc.
Từ các đánh giá này, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần đổi mới cơ chế quản lý, điều hành, để giá xăng dầu điều tiết theo cung cầu của thị trường. Cụ thể: “Cần đầu tư xây dựng kho bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia để bảo đảm tuân thủ Luật Dự trữ quốc gia, tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu”.
Cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị tiếp tục phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, cải tiến công nghệ để giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dầu thô nhập khẩu, đồng thời nâng mức dự trữ bắt buộc của các thương nhân khi cần bảo đảm nguồn cung nội địa.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay cơ quan này đang tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã bốn lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Tại phương án mới đây nhất, Bộ đề nghị từ năm 2023 - 2025 nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày; trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỉ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Trong khi theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối NSNN.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, liên bộ Công Thương - Tài chính đã họp bàn và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép, NSNN sẽ bố trí thêm mỗi năm 1.000-2.000 tỉ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để dần nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương thừa nhận là khó tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối. Lý do: Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng mà phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia ban hành từ năm 2003 là rất thấp, không phù hợp với thực tế.
"Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia" - ông Diên nói thêm.
Để tránh gián đoạn, Bộ Công Thương đã đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.