Được các nhà khoa học Brazil tái hiện với khuôn mặt rùng rợn và dị biệt, con vật có thân hình trông như cá sấu nhưng làn da trơn nhẵn hơn và chiếc đuôi 4 cạnh kỳ dị là một thủy quái lưỡng cư của kỷ Tam Điệp (200-251 triệu năm trước).
Trong thế giới sơ khai đó, kích thước 1,5 m của nó là khổng lồ. Để so sánh, những loài khủng long đầu tiên - xuất hiện vào cuối kỷ này - chỉ to cỡ những con thằn lằn, tắc kè hiện đại.
Một cuộc nghiên cứu đã được mở ra giữa Đại học Liên bang Thung lũng São Francisco (Brazil), Đại học Princeton University và Đại học Havard (Mỹ).
Theo Sci-News, loài mới được đặt tên là Kwatisuchus rosai, cũng là một chi hoàn toàn mới của họ Benthosuchidae, một dòng dõi thủy quái giống cá sấu mang tên "temnospondyl".
Tuy nhiên, các loài khác từ họ này trước đây chỉ được tìm thấy ở Đông Âu. Việc một loài trong cây gia đình xuất hiện ở Nam Mỹ xa xôi cho thấy dòng dõi này phân bố rộng hơn chúng ta từng nghĩ rất nhiều.
Hộp sọ hóa thạch của Kwatisuchus rosai được tìm thấy từ tháng 8-2022 từ hệ tầng Sanga do Cabral ở Rio Grande do Sul - Brazil, nơi từng có hệ thống sông hồ, đầm lầy phức tạp thời cổ đại.
Đó là một hệ tầng đá trầm tích ghi lại giai đoạn lịch sử khủng khiếp của hành tinh: Một môi trường "tan hoang" sau đại tuyệt chủng Nhị Điệp - Tam Điệp, cũng là đại tuyệt chủng lớn nhất hành tinh, nơi phần lớn sinh vật đại dương đã tuyệt tích.
Kwatisuchus rosai là kẻ sống sót. Với niên đại 249 triệu tuổi, sinh vật này sống vào thời điểm ngay sau đại tuyệt chủng.
Nguyên nhân của sự sống sót đặc biệt này - bất chấp kích lớn là một yếu tố bất lợi - có thể do khả năng thích nghi cao với điều kiện căng thẳng môi trường của động vật lưỡng cư.
Theo TS Estevan Eltink từ Đại học Liên bang Thung lũng São Francisco, động vật lưỡng cư là nhóm động vật bốn chân nguyên thủy đa dạng nhất, được ghi nhận ở mọi lục địa trên Trái Đất.
Nhờ khả năng sinh tồn cao, các loài lưỡng cư là quyển sổ thời gian giúp con người hiểu thêm về cách các sự kiện đại tuyệt chủng ảnh hưởng đến hành tinh, cũng như điều gì sẽ xảy ra khi đại tuyệt chủng tiếp theo ập đến.
Rất tiếc dù vượt qua thảm họa lớn nhất đối với sinh vật địa cầu, Kwatisuchus rosai vẫn không thể để lại con cháu cho tới ngày nay.
Nghiên cứu về thủy quái dị biệt này vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Anatomical Record.
Xem thêm: nhc.390731402131042881-ioig-eht-nert-yaht-gnut-auhc-iout-ueirt-942-iauq-yuht-neid-ol/nv.fefac